Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 38 tỷ USD, giảm 2,3%; Trung Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 0,6%; thị trường ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 18,4 tỷ USD, tăng 10,1%.
Nông sản vẫn là mặt hàng xuất khẩu chủ lực.
Xuất siêu kỷ lục
Số liệu vừa công bố của Tổng cục Hải quan cho biết, 11 tháng năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7-8% của Quốc hội giao. Như vậy, trong 11 tháng, cả nước đã xuất siêu gần 11 tỷ USD. Đây là mức xuất siêu kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay.
Trong đó, xuất siêu sang thị trường EU đạt 38 tỷ USD, giảm 2,3%; Trung Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 0,6%; thị trường ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 18,4 tỷ USD, tăng 10,1%.
Đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của cả nước vẫn là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, với 166,7 tỷ USD, tăng 3,8 tỷ USD trong 11 tháng qua. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018. Với kết quả này, thặng dư cán cân thương mại của Việt Nam đạt 10,9 tỷ USD, cao hơn nhiều so với con số 9,1 tỷ USD trước đó.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, với kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân khoảng 43 tỷ USD/tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD trong năm 2019 này.
Đánh giá về con số xuất khẩu đạt mức kỷ lục trong 11 tháng qua, bà Cẩm Trang - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, đây là một sự bứt phá của xuất khẩu nước nhà cho thấy những nỗ lực lớn của nhà quản lý và cộng đồng DN trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu. Theo bà Trang, chúng ta đang thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đây là cơ hội để nâng cao giá trị xuất khẩu cũng như tạo tiền đề để DN Việt tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tiếp đà tăng trưởng xuất khẩu
Song song với những nỗ lực thực thi các FTA, thời gian qua Bộ Công thương cũng luôn thông tin kịp thời đến các DN các vấn đề về thị trường xuất khẩu, đặc biệt thông tin về thị trường nông sản, cập nhật giá nông sản thế giới nhằm giúp DN chủ động được kế hoạch xuất khẩu hàng hoá.
Đáng chú ý, theo bà Trang, một trong những thị trường có nhiều sự thay đổi trong quy định xuất nhập khẩu chính là thị trường Trung Quốc. Thời gian qua, cộng đồng DN đã gặp nhiều khó khăn, rào cản khi đưa hàng hóa sang nước này bởi nhiều quy định ngày càng khắt khe. Lường trước được những khó khăn, Bộ Công thương đã có nhiều động thái nhằm giúp các DN nắm rõ thông tin nhiều hơn về thị trường Trung Quốc, để từ đó có thể điều chỉnh sản xuất hàng hóa phù hợp với các tiêu chí, điều kiện mà thị trường này đưa ra. “Với những kết quả đạt được năm 2019, đây sẽ là tiền đề để ngành công thương tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2020” – bà Trang nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, sự phát triển của sàn thương mại điện tử cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc tăng giá trị, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. Theo đó, thời gian qua, Bộ cũng đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử. Năm 2019 vừa qua, nhiều DN đã được hỗ trợ để xuất khẩu hàng hoá qua sàn thương mại điện tử, cụ thể là Amazon. “Nhưng yếu tố quan trọng hơn cả là các DN đã nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm từ đó đẩy mạnh giá trị xuất khẩu, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước” - ông Hải nhấn mạnh.
Con số tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cũng như con số xuất siêu tăng kỷ lục cho thấy sức bật của cộng đồng DN trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Giới chuyên gia kinh tế kỳ vọng, nếu tiếp tục duy trì những cách mà chúng ta giải quyết vấn đề mậu dịch và tình hình xuất khẩu cũng sẽ tiếp tục trong sự khả quan.
Dù vậy, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, hàng hóa Việt Nam cần lưu ý phải tiếp tục nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng những chuẩn mực quốc tế. “Hàng nông sản thủy sản xuất khẩu của chúng ta đã gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu, qua các nước châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc thường bị “mắc” lại do không đạt được những yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó phải thúc đẩy nâng cao chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm hơn nữa” – ông Hiếu nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, DN Việt Nam phải có sự đầu tư công nghệ thông tin để chuẩn hóa quy trình sản xuất của mình. Khi chúng ta chuẩn hóa sản xuất theo công nghệ hiện đại, không những DN có thể giảm được chi phí sản xuất mà còn nâng cao chất lượng cho hàng hóa Việt Nam.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 38 tỷ USD, giảm 2,3%; Trung Quốc đạt 37,4 tỷ USD, giảm 0,6%; thị trường ASEAN đạt 23,4 tỷ USD, tăng 2,4%; Nhật Bản đạt 18,6 tỷ USD, tăng 7,6%; Hàn Quốc đạt 18,4 tỷ USD, tăng 10,1%.