Nhà giáo có cần thiết phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp đang là câu hỏi được đặt ra trước đề xuất của Bộ GDĐT để xây dựng dự án Luật Nhà giáo.
Lo ngại tăng áp lực
Bộ GDĐT đang lấy ý kiến tham vấn từ các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục… để xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Trong nhiều nội dung được đưa ra lấy ý kiến có quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp.
Đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều giáo viên bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất này.
Cô Phạm M.P., giáo viên một trường THCS của huyện Bảo Yên (Lào Cai) thấy khó hiểu khi nhà giáo đã học trường sư phạm và tốt nghiệp ngành sư phạm rồi, vậy lý do gì họ phải học thêm chứng chỉ nghề nghệp nữa?
Theo cô P., yêu cầu này không cần thiết và không phù hợp trong khi giáo viên đã phải đạt rất nhiều yêu cầu chuẩn đầu ra. “Với những sinh viên đang học trong trường đại học thì các em có thể học thêm để có chứng chỉ trong vài tháng sẽ thuận lợi hơn giáo viên đã có tuổi ngoài 40, 50. Ở tuổi này đi học thêm một chứng chỉ gây khó khăn, không thuận tiện cho chúng tôi”, cô P. cho hay.
Trao đổi với phóng viên, thầy Lê Văn Tích, giáo viên Trường THCS Diễn Bích (Nghệ An) bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng chỉ nghề nghiệp của Bộ GDĐT.
Thầy Tích cho rằng, đây là yêu cầu vô lý và không cần thiết, tạo thêm áp lực cho giáo viên. Giáo viên đã có thời gian 4 năm được đào tạo trong trường sư phạm. “Nếu yêu cầu phải có thêm một giấy chứng nhận nghề nghiệp nữa thì việc đào tạo bài bản của trường sư phạm là thừa thãi hay sao?”, thầy Tích đặt câu hỏi và cũng bày tỏ băn khoăn về đơn vị được phép cấp giấy chứng chỉ nghề nghiệp.
Không phải giấy phép con
Về phía chuyên gia, GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành – Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cho rằng, việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp giáo viên là cần thiết để xếp lương theo vị trí công việc tương ứng. Hiện có nhiều nhà giáo không tốt nghiệp từ các trường sư phạm mà đi dạy do quá trình học tập trong trường đại học tốt được giữ lại làm giảng viên. Với những nhà giáo này cần thiết phải bồi dưỡng nghiệp vụ và có giấy chứng nhận nghề nghiệp.
Trước tâm tư của nhiều giáo viên về đề xuất này, GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành cho rằng, khi soạn thảo nội dung này, Bộ GDĐT cần làm rõ ý nghĩa và giá trị của giấy phép này. Với những giáo viên tốt nghiệp trường sư phạm và có bằng sư phạm sẽ đồng nghĩa với việc họ sẽ được cấp giấy chứng chỉ hành nghề, còn với những giáo viên “tay ngang” thì mới cần thiết phải có chứng chỉ này.
“Đề xuất này góp cho ngành giáo dục càng ngày càng đi vào chính quy hóa chứ không phải tạo ra một giấy phép con, tăng áp lực cho giáo viên”, GS Bành nêu quan điểm.
Lý giải về đề xuất nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp, TS. Vũ Minh Đức, Cục trưởng cục Nhà giáo (Bộ GDĐT) cho biết, giấy chứng nhận nghề nghiệp thể hiện năng lực của đội ngũ nhà giáo. Đồng thời sẽ thay thế cho hai giấy tờ quan trọng: Quyết định công nhận hết thời gian tập sự của giáo viên và giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Nếu giáo viên được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp thì không cần phải có hai loại giấy này nữa và như vậy thủ tục giấy tờ sẽ bớt đi.
Bên cạnh đó, theo Cục trưởng Cục Nhà giáo, hiện nay chỉ nhà giáo công tác khu vực công lập được tham gia bồi dưỡng và cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong khi giáo viên ở khu vực ngoài công lập lại không có. Do vậy, quy định giấy chứng nhận nghề nghiệp nhằm tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo làm việc ở cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Với giấy chứng nhận này, nhà giáo có thể chuyển từ đơn vị này sang đơn vị kia một cách dễ dàng.
Liên quan đến thủ tục để cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo, TS. Vũ Minh Đức cho biết, đối với giáo viên đã có quyết định tuyển dụng và đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đương nhiên sẽ được cấp, không cần phải trải qua bất kỳ một đợt sát hạch nào.
Đối với những người đã tốt nghiệp tại các trường đại học sư phạm hoặc tốt nghiệp những ngành nghề khác muốn trở thành giáo viên thì sau khi hoàn thành thời gian tập sự, được công nhận đạt kết quả tập sự và đáp ứng các tiêu chuẩn khác thì sẽ được cấp giấy chứng nhận.
Trường hợp các nhà giáo nghỉ hưu nhưng nếu có nguyện vọng cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận này như một sự ghi nhận cống hiến đối với sự nghiệp giáo dục.