Năm 2017, cùng với những nỗ lực, phấn đấu của ngành LĐTBXH thành phố Cần Thơ, đặc biệt là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trên địa bàn đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” cho hơn 4.125 lao động, đến cuối năm tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đã đạt hơn 79%.
Dạy nghề đan dây nhựa tại quận Ô Môn giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại chỗ.
Thực hiện kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 11/4/2017 của UBND TP Cần Thơ về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2017, Sở LĐTBXH thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Sở NNPTNT, cùng các ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả.
Trong năm 2017, thành phố đã tổ chức khai giảng 131 lớp nghề, với 4.125 học viên theo học, đạt 100% kế hoạch đề ra. Trong đó, các lớp nghề phi nông nghiệp đạt hơn 80% và các lớp nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp đạt gần 20%. Đặc biệt, tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trên toàn thành phố trung bình đạt hơn 79%, tại một số cơ sở GDNN tỉ lệ này đạt gần 100%.
Để đạt những thành công đó, TP Cần Thơ đã thực hiện có hiệu quả đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác dạy nghề. Theo đó, công tác tuyên truyền đối với đào tạo nghề đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao nhận thức cho đông đảo người dân hiểu được lợi ích của việc học nghề. Cũng như tạo điều kiện cho lao động nông thôn từng bước tiếp cận chính sách về đào tạo nghề, nắm bắt được kế hoạch đào tạo nghề của thành phố và của các cơ sở dạy nghề để tham gia học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Một trong những giải pháp được thành phố quan tâm thực hiện và làm tốt đó là công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, cũng như nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Qua đó, xác định các nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí làm việc của doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần nâng cao tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo.
Ông Phạm Thành Thông- phó giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận Ô Môn, đơn vị có hơn 85% lao động có việc làm sau đào tạo, chia sẻ: Qua phối hợp với UBND các phường, cùng các tổ chức Mặt trận, Hội, Đoàn thể, Trung tâm đã lấy phiếu khảo sát nhu cầu học nghề đến từng hộ gia đình. Từ đó, làm căn cứ để đưa ra kế hoạch dạy nghề phù hợp, kịp thời, đảm đúng đối tượng có nhu cầu học nghề và đào tạo những nghề dễ tìm việc làm tại địa phương. Nhờ vậy, năm 2017 quận đã mở được 11 lớp nghề, giải quyết việc làm cho hơn 370 lao động.
Để đạt được những kết quả khả quan trong công tác GDNN nói chung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng, TP Cần Thơ luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo đó, đội ngũ nhà giáo thuộc lĩnh vực GDNN đã phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng (năm 2017 toàn thành phố có 942 nhà giáo, trình độ sau đại học và đại học chiếm hơn 65,20%, đạt chuẩn theo quy định của Bộ LĐTBXH chiếm tỷ lệ 86,19%). Với lực lượng nhà giáo hùng hậu, có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, nhiệt tình, sáng tạo, tâm huyết đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề.
Các chương trình giảng dạy nghề cho lao động nông thôn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) cũng từng bước được các cơ sở GDNN quan tâm điều chỉnh, biên soạn mới phù hợp với nhu cầu của người học và các yêu cầu thực tế của đời sống. Nhiều cơ sở dạy nghề đã tổ chức biên soạn, cập nhật chương trình, giáo trình giúp bồi dưỡng và không ngừng nâng cao kiến thức của người lao động.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở GDNN đã được đầu tư đáp ứng yêu cầu đào tạo, quản lý. Năm 2017, từ kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia đã phân bổ 55 tỉ đồng (đổi mới và phát triển dạy nghề là 35 tỉ đồng và đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 20 tỉ đồng) để hỗ trợ đầu tư xây dựng mới các cơ sở GDNN, mua sắm trang thiết bị nhằm đảm bảo cho hoạt động dạy nghề đạt được hiệu quả tốt nhất.
Bên cạnh đó, TP Cần Thơ đã triển khai thành công nhiều mô hình “Đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động”.
Bằng cách bám sát nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố đã phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để mở các lớp đào tạo nghề ngay tại doanh nghiệp. Qua đó, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, vừa giúp giải quyết việc làm của người học nghề sau đào tạo. Tiêu biểu như các mô hình tại: Công Ty TNHH Taekwang Cần Thơ, Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai Chi nhánh Cần Thơ, Sửa chữa ô tô - xe máy tại Yamaha Cần Thơ,...
Ông Phạm Chí Thừng- phó giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX quận Bình Thủy, một trong những đơn vị thực hiện thành công nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho lao động chia sẻ: Bằng cách phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn, năm 2017 Trung tâm đã mở được 5 lớp dạy nghề cho hơn 170 lao động ngay tại doanh nghiệp. Theo mô hình này, người lao động được học tập ngay chính dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp nên chất lượng đào tạo rất cao, mặt khác doanh nghiệp cũng sẽ có được những lao động qua đào tạo phù hợp với vị trí tuyển dụng. Hầu như gần 100% lao động đào tạo nghề theo mô hình này đều được doanh nghiệp tuyển dụng và có thu nhập trung bình từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.