TP HCM: Bệnh tay chân miệng có nguy cơ bùng phát

Thanh Giang 24/05/2022 16:41

Ngày 24/5, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, thành phố ghi nhận 2.562 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 96% các trẻ mắc bệnh ở độ tuổi từ 1 - 5 tuổi.

Cụ thể, trong tuần 20 (từ ngày 13/05/2022 đến 19/05/2022), thành phố ghi nhận thêm 882 ca bệnh tay chân tay miệng, tăng gấp 2 lần so với trung bình 4 tuần trước đó. Trong đó số ca bệnh tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.

Số ca bệnh tay chân miệng tiếp tục tăng cao ở hầu hết các quận huyện, thành phố Thủ Đức. Các quận huyện có số ca tăng so với trung bình 4 tuần trước là Bình Tân, Khu vực 3 của thành phố Thủ Đức, Tân Phú, Gò Vấp.

Trước đó, tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh, ông Nguyễn Hồng Tâm – Phó Giám đốc HCDC cho hay, từ đầu năm đến nay TP HCM ghi nhận 2.370 ca, giảm 74,6% so với cùng kì năm ngoái. Thành phố chưa ghi nhận ca tử vong nào liên quan đến bệnh tay chân miệng.

Số ca mắc tay chân miệng ở trẻ nhỏ tăng trong vài tuần gần đây.
Số ca mắc tay chân miệng ở trẻ nhỏ tăng trong vài tuần gần đây.

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay thời tiết khí hậu đang chuyển mùa hè với khí hậu nóng ẩm là thời điểm bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nguy cơ gia tăng, có thể bùng phát dịch nếu không kịp thời phòng chống.

Tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Hiện nay bệnh vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu. Tại Việt Nam, tay chân miệng là bệnh lưu hành quanh năm và gặp ở hầu hết 63 tỉnh, thành phố. Số ca mắc bệnh thường tăng cao vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và 9-11.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng bóng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ.

Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Bệnh dễ lây cho trẻ liên quan đến hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường không đảm bảo. Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp 3 sạch: bàn tay sạch, ăn sạch, ở sạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP HCM: Bệnh tay chân miệng có nguy cơ bùng phát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO