Phát biểu tại buổi làm việc của Tiểu ban Kinh tế - xã hội Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng làm việc tại TP HCM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Vùng tiếp tục có vị thế là đầu kinh tế cả nước, vai trò của TP HCM và các tỉnh trong vùng rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước”.
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. (Ảnh: Đình Lý).
Văn kiện Đại hội Đại biểu (ĐHĐB) lần thứ XIII của Đảng, với mục tiêu hết sức quan trọng là tổng kết, đánh giá, kế thừa và phát huy được các thành tựu nổi bật trong 30 năm đổi mới. Để hoàn thành mục tiêu quan trọng trên, ngày 7/5, Tiểu ban Kinh tế - xã hội của ĐHĐB toàn quốc lần XIII của Đảng, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ; Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với UBND TP HCM và lãnh đạo các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã cùng dự cuộc làm việc.
Sớm hoàn thành báo cáo đầy đủ trình Đại hội Đảng
Theo nội dung buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì, định hướng chỉ đạo một số nội dung thảo luận, lấy ý kiến các địa phương, liên quan đến đánh giá kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội Chiến lược 10 năm 2011-2020, kế hoạch 5 năm 2016-2020 và xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển 5 năm 2021-2025. Từ các nội dung tiếp thu ý kiến, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội sẽ xây dựng Báo cáo đầy đủ Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025 để trình ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá rất cao tốc độ tăng trưởng và phát triển nhanh, bền vững của TP HCM và các tỉnh thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Trong đó, TP HCM vẫn đảm bảo vị thế, vị trí đứng đầu và là đầu tàu trên nhiều lĩnh vực quan trọng, đóng góp tỷ lệ rất lớn vào ngân sách của cả nước.
Cụ thể, Thủ tướng đánh giá vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có hơn 20 triệu dân (chiếm hơn 20% dân số toàn quốc), nhưng đã đóng góp hơn 11 triệu lao động, với năng suất lao động gấp 1,8 lần cả nước; GDP tăng trưởng cao gấp 1,75 lần trung bình cả nước và chiếm một tỷ lệ rất cao trong tổng GDP cả nước.
Ngành nông nghiệp trong vùng hiện ở mức 6%, tỷ lệ rất thấp, do quá trình đô thị hóa nhanh và phát triển công nghiệp ở tốc độ cao. Trong đó, xét về số lượng thì toàn vùng đang có đến 250.000 doanh nghiệp, trong tổng số cả nước hiện là 750.000 doanh nghiệp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Vùng tiếp tục có vị thế là đầu kinh tế cả nước và vai trò của TP HCM và các tỉnh trong vùng rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội đất nước”.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ và các vị Ủy viên Bộ Chính trị thuộc Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt nam đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp, cũng như báo cáo các thành tựu về kinh tế - xã hội của lãnh đạo các địa phương của vùng. Trong đó, Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương mạnh dạn kiến nghị, đưa ra đề xuất phương hướng nhiệm vụ cho 5, 10 năm tới và thậm chí là tầm nhìn cho năm 2045.
Ngoài ra, các ý kiến cũng mạnh dạn đề xuất, kiến nghị với Đảng, với Nhà nước về nhiều vấn đề trong 30 năm đổi mới. Đây chính là các nội dung, chất liệu hết sức quan trọng để Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tổng hợp, phân tính đánh giá, để xây dựng báo cáo trình Đại hội Đảng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, mạnh mẽ, trách nhiệm trong đóng góp ý kiến của các đại biểu, đồng thời chỉ đạo quá trình thảo luận các nội dung tại buổi làm việc, tập trung vào việc làm rõ bức tranh toàn thể sự phát triển của các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía nam, nêu ra cho được các kết quả đạt được, tồn tại yếu kém, nguyên nhân, bài học của từng nơi.
Vấn đề về các cách vận dụng sáng tạo mô hình mới, các điểm sáng cũng đã được Tiểu ban tiếp thu một cách nghiêm túc, để làm giàu thêm bản báo cáo tại ĐHĐB toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn tham dự buổi làm việc.
TP Hồ Chí Minh khẳng định vai trò đầu tàu
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian đánh giá sâu về vai trò của TP HCM trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với nét nổi bật là vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội và cũng là đầu tầu tiên phong về sự chuyển động năng động, sáng tạo, với các kế hoạch, chính sách có tầm nhìn trong 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 hết sức cụ thể và khoa học.
Mặc dù vậy, Thủ tướng cũng yêu cầu các lãnh đạo thành phố nên nghiên cứu, tiếp tục tìm giải pháp để phát huy vai trò của trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, trong đó đề cập thực trạng phát triển, quản lý đô thị, liên kết vùng và định hướng giải pháp trong thời gian tới.
Theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khi làm rõ được vai trò của TP HCM sẽ đánh giá được quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, bối cảnh xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch này.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị TP HCM và các địa phương nêu bật được các thành tựu, hạn chế trong phát triển gắn với những chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước trong các giai đoạn. Nhất là, phải đánh gia những mặt còn tồn tại, hạn chế kìm hãm hay những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nơi, trong mối liên kết vùng.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các địa phương đã đóng góp các ý kiến chỉ ra nguyên nhân của thành công cũng như những nguyên nhân của các mặt tồn tại, hạn chế, đúc rút bài học kinh nghiệm trọng việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.
Về phía TP HCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trên địa bàn thành phố. Sau đó, các địa phương cũng đã cho các ý kiến liên quan để giúp TP HCM tiếp tục là “thủ lĩnh” xứng đáng của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Lãnh đạo UBND TP HCM đã đánh giá cụ thể, trên tinh thần đi thẳng vào các vấn đề tồn tại, bất cập, liên quan đến các chỉ tiêu, mục tiêu như hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp; tỷ lệ sản xuất gia công còn cao; sức cạnh tranh chưa tăng nhiều; tỷ lệ đầu tư đổi mới công nghệ còn thấp; doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn yếu và ít đã ảnh hưởng ít nhiều đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố trong những năm qua.
Từ lý do trên, trong giai đoạn 2021-2020, tầm nhìn đế năm 2045 và thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, TP HCM đặt ra định hướng sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh của kinh tế gắn với tái cấu trúc kinh tế theo chiều sâu, chất lượng, hiệu quả. Hiện nay, TP HCM đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng TP HCM trở thành đô thị thông minh, năng động, hiện đại, với khả năng kết nối sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực và quốc tế, vươn tới tầm cạnh tranh được với các thành phố lớn của châu Á.
Sau cuộc làm việc này, những ý kiến của TP HCM và các địa phương sẽ được Tiểu ban Kinh tế - Xã hội ĐHĐB lần thứ XIII của Đảng tổng hợp, phân tính, đánh giá cùng với tình hình cả nước để xây dựng báo cáo chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025.