Đây là nội dung được nhấn mạnh tại buổi tọa đàm với chủ đề “Đào tạo nhân lực thiết kế vi mạch theo nhu cầu doanh nghiệp” do Trung tâm đào tạo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM tổ chức ngày 26/8, với sự tham dự của nhiều kỹ sư, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công nghệ cao và công nghiệp điện tử của TP HCM và các tỉnh, thành lân cận.
Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, trong 20 năm qua, thị trường vi mạch bán dẫn phát triển không ngừng và còn tiếp tục phát triển. Cùng với sự phát triển đó là nhu cầu về nhân lực trong lĩnh vực thiết kế vi mạch cũng ngày một tăng cao, nhất là tại TP HCM. Hiện nay nhiều quốc gia lớn về vi mạch bán dẫn cũng đang có sự thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, đây là một cơ hội lớn cho TP HCM cũng như các địa phương trên cả nước.
Theo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP HCM, TP HCM rất quan tâm đến tầm quan trọng của lĩnh vực thiết kế vi mạch đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Mục tiêu đến 2030 Trung tâm đào tạo Khu Công nghệ cao TP sẽ góp phần giúp Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Để có được đội ngũ này, phải huy động các trường đại học lớn, có uy tín vào cuộc.
Tại tọa đàm, GS.TS Đặng Lương Mô, nhà khoa học tiên phong trong phát triển ngành công nghệ vi mạch tại Việt Nam hiến kế, ngoài kỹ năng thiết kế, TP HCM cần có chiến lược đào tạo cho các kỹ sư thiết kế biết sơ qua quy trình chế tạo.
“Đây là cơ hội lần thứ 3 để Việt Nam có thể phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và công nghiệp chế tạo. Ngoài vấn đề đào tạo kỹ sư thì chúng ta phải có năng lực để có những tín hiệu mới về vi mạch. Hiện nhiều trường Đại học ở Việt Nam được đánh giá cao trên thế giới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung cấp cho nhiều nước, đó là tín hiệu khẳng định Việt Nam hoàn toàn làm tốt việc tạo nguồn chất lượng cao cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn”, GS.TS Đặng Lương Mô nói.
Cũng tại tọa đàm, ông Trịnh Thanh Lâm, Giám đốc bán hàng của Synopsys Nam Á chia sẻ: Chúng tôi mong muốn sẽ đào tạo đội ngũ kỹ sư hoàn toàn trên Icloud, đồng thời các ý tưởng về công nghệ của các kỹ sư cũng sẽ được đưa lên dữ liệu chung đó. Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa máy tính - Đại học Công nghệ Thông tin TP HCM cho rằng, ngành công nghiệp vi mạch là ngành chủ lực của một quốc gia.
Theo ông Sơn, nguồn nhân lực cần phải được gắn liền với hệ thống các trường đào tạo, với doanh nghiệp. Việt Nam đã bắt đầu tham gia để hiện thực hóa mong muốn tham gia chuỗi vi mạch bán dẫn toàn cầu, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ hơn giữa hệ thống đào tạo với doanh nghiệp, trong đó nền tảng đào tạo ra những sinh viên, những kỹ sư ưu tú rất quan trọng.
Tham gia hiến kế cho TP HCM phát triển nguồn nhân lực cao về thiết kế vi mạch, tại tọa đàm các đại biểu, đặc biệt là đại diện các công ty thiết kế vi mạch hàng đầu tại Việt Nam hiện nay như Renesas Design Vietnam, Công ty TNHH Ampere Computing Việt Nam, Adtechnology & SNST Việt Nam, Microchip, Semifive, Synopsys, Cadence… cũng đã đưa ra những ý kiến về phương pháp để xây dựng bộ tiêu chuẩn kiến thức và kỹ năng của kỹ sư thiết kế vi mạch theo từng bậc lĩnh vực chuyên ngành.
Ngoài ra, các ý kiến cũng cho rằng TP HCM cần có phương pháp xây dựng giáo trình đào tạo đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về chất lượng kỹ sư sau đào tạo; nhu cầu về kỹ sư của doanh nghiệp; khả năng tham gia của các chuyên gia, kỹ sư đang làm việc tại doanh nghiệp.