Các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế được Thành ủy TP HCM mời tham vấn ý kiến, đã thẳng thắn, tâm huyết chia sẻ với các lãnh đạo thành phố, rằng: hai trụ cột cơ chế là “cơ chế đặc thù” và “truyền thống năng động, sáng tạo” (từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) sẽ là bàn đạp để thành phố tiếp tục nắm giữ vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội của cả nước….
Bí thư TP HCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các nhà khoa học bên lề hội thảo khoa học. (Ảnh: Hồng Phúc).
Ngày 26/7, Thành ủy TP HCM tổ chức Hội thảo khoa học “Khơi dậy và phát huy truyền thống sáng tạo để phát triển thành phố giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo” nhằm lắng nghe các ý kiến tham vấn, hiến kế của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế đang sinh sống và làm việc tại thành phố.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội thảo Khoa học.
Thành phố thừa hưởng “nôi sáng tạo”
Hơn 30 năm trước, khi nền kinh tế gặp khủng hoảng, nhất là về chính sách giá - lương - tiền (năm 1985), Thành ủy TP HCM đã đặt hàng “Nhóm thứ Sáu” bằng mọi cách phải kéo giá xuống. Đây là nhóm các trí thức trên các lĩnh vực, được ông Võ Trần Chí, Bí thư Thành ủy TP khi đó trọng dụng, đưa vào danh sách “Nhóm nghiên cứu chuyên đề kinh tế của Thành ủy”.
Ông Võ Văn Kiệt lúc này đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng sau khi xem xong đề xuất của “Nhóm thứ Sáu” thì lập tức mời các trí thức của nhóm, là các ông Phan Chánh Dưỡng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước ra Trung ương thuyết trình về sáng kiến.
Tại hội thảo, ông Phạm Chánh Trực cho rằng, chính các cải cách mạnh mẽ từ chính quyền, lại lan tỏa thúc đẩy tinh thần nhân dân thành phố năng động, sáng tạo hơn, đóng góp tốt hơn vào nền kinh tế khi đó. Do đó, ông Trực chia sẻ tâm huyết với các lãnh đạo TP HCM: “Hãy tiếp tục sáng tạo. Trọng trách đầu tàu kinh tế đất nước trong giai đoạn CNH-HĐH đất nước càng giục giã thành phố phải sáng tạo không ngừng…”.
GS.TS.NGND Nguyễn Ngọc Giao thì nhắc tới 6 đặc điểm “năng động sáng tạo” của cộng đồng dân cư đặc thù của TP HCM, mà không ở đâu có. Đó là chủ trương “Xé rào chính sách ngăn sông cấm chợ” trong lưu thông phân phối ở khu vực các tỉnh Nam bộ, điển hình là thành lập Công ty Lương thực TP HCM, giải quyết nạn thiếu gạo ở thành phố trong khi các tỉnh thì thừa mứa lúa gạo.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP HCM nói, Thành phố lâu nay là nơi thúc đẩy phát triển kinh tế đa thành phần, đa sở hữu, và đã có ngay các kết quả rất tốt, trở thành đầu tàu kinh tế cả nước. Nhiều công ty tư nhân ra đời và làm ăn có hiệu quả trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Ở đây sớm hình thành các mô hình KCN, KCX xuất khẩu hàng hóa với cơ chế một cửa tại chỗ; Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước…
Nguyên Chủ tịch HĐND TP gợi ý, với Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, các lãnh đạo đương nhiệm của TP HCM nên coi đây là cơ hội, là giải pháp có tính đột phá để tận dụng phát triển, với quyết tâm chính trị cao.
Quang cảnh hội nghị.
Kỷ nguyên phát triển mới
GS.TS Võ Văn Sen, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Quốc gia cho rằng, giai đoạn hiện nay chính là kỷ nguyên để TP HCM vận dụng và tận dụng để phát triển nhanh, dựa trên các ưu thế về vị trí địa lý, nguồn lực dồi dào, phong phú, năng động về kinh tế; ý thức năng động, sáng tạo của người dân và khu vực kinh tế tư nhân;…
Gợi ý về giải pháp, Giáo sư Sen lấy bài học phát triển nhìn từ Singapore, khuyên TP HCM nên nhắm đến xây dựng một nền quản trị tốt và đi trước về vận dụng khoa học - công nghệ và kinh tế tri thức, đặc biệt là đón đầu xu thế start up của khu vực. Tiếp theo là gắn phát triển kinh tế với tạo việc làm cho người dân; giải quyết vấn đề nơi ở cho người dân bằng nhà ở công; xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, tạo nên một thành phố đáng sống và bền vững.
Tiếp thu ý kiến các nhà khoa học, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, các lãnh đạo thành phố nhận thức được TP HCM đang là nơi hội tụ và lan tỏa sự năng động, sáng tạo. Nơi đây thu hút một lượng lớn lao động trí thức, văn nghệ sĩ, các tầng lớp nhân dân từ các địa phương đến định cư, phát triển nghề nghiệp.
Bí thư TP HCM cảm ơn các nhà khoa học đã hiến kế, góp ý cho thành phố cần làm gì, cần đề xuất chủ trương, chính sách cụ thể nào trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh,… Đây đều là các hiến kế xác đáng, lãnh đạo thành phố sẽ tiếp thu và nghiên cứu vận dụng.
“Chúng ta sẽ tạo môi trường cơ chế, khuyến khích chính sách để tạo động lực cho phát huy năng động sáng tạo. Trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu các Sở ngành, quận/huyện là bà đỡ cho sáng tạo, dựa trên cơ chế đặc thù”, người đứng đầu Đảng bộ TP nói.
Đối với những vấn đề bức xúc trong giải phóng, đền bù giải tỏa, vốn gây nhiều bức xúc trong nhân dân, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ, lãnh đạo thành phố cũng đang nghiên cứu cơ chế đặc thù để có những tháo gỡ phù hợp.