Đó là khẳng định của ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh tại cuộc họp tình hình kinh tế xã hội thành phố tháng 5 và định hướng những tháng tiếp theo, sáng 2/6.
Theo ông Tăng Chí Thượng, số ca mắc sốt xuất huyết tại thành phố vẫn ở mức cao. Đặc biệt, số ca sốt xuất huyết nặng tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ. Tính đến thời điểm hiện tại, thành phố ghi nhận có 7 trường hợp tử vong, trong đó có 5 ca người lớn, 2 ca trẻ em.
Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết hiện nay, ông Tăng Chí Thượng quan ngại: “Khả năng năm nay sẽ bị dịch lớn về sốt xuất huyết. Nguy cơ này đã được ngành y tế dự báo. Vì cứ khoảng 4 năm dịch sốt xuất huyết quay lại với số ca mắc tăng cao”.
Để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết, ông Tăng Chí Thượng cho rằng, thành phố đã, đang và sẽ tăng cường phòng chống sốt xuất huyết bằng cách diệt lăng quăng. Lý do, qua kiểm tra, giám sát công tác phòng chống sốt xuất huyết tại các quận – huyện cho thấy, lăng quăng ở khắp nơi. Chỗ nào cũng có, trường học nào cũng có.
Lãnh đạo ngành y tế TP Hồ Chí Minh mong muốn, thời gian qua Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 đã làm việc rất hiệu quả. Nếu Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 mà chuyển sang làm cho sốt xuất huyết thì rất thành công.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, trong 5 tháng đầu năm 2022, Thành phố ghi nhận 10.052 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 46,4% với cùng kỳ năm 2021, với số ca sốt xuất huyết nặng là 194 ca, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng trong tuần 21 từ ngày 20/5 đến ngày 26/5 Thành phố ghi nhận 1.402 ca bệnh sốt xuất huyết, tăng 457 ca (48,4%) so với trung bình 4 tuần trước. Số ca sốt xuất huyết tăng ở cả các trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Các bác sĩ khuyến cáo, bệnh sốt xuất xuất có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi người phải luôn cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết vì có nguy cơ bệnh nặng và tử vong.
Triệu chứng nhận biết bệnh sốt xuất huyết là trẻ sốt cao liên tục 2-7 ngày kèm dấu hiệu xuất huyết như chấm xuất huyết ở da (thường ở cánh tay, cẳng chân), chảy máu răng, máu mũi; khi trở nặng thì đau bụng nhiều, gan to, trụy tim mạch với tay chân lạnh, da nổi bông, ói máu hay tiêu phân đen.
Trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục từ 2 đến 3 ngày, phụ huynh nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám và xem xét chỉ định xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết.
Nhằm phòng bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cơ quan cần thực hiện diệt lăng quăng, diệt muỗi. Theo đó, mỗi gia đình nên thường xuyên dành 20-30 phút mỗi tuần để kiểm tra, dọn dẹp tất cả các đồ dùng chứa nước và dùng các biện pháp để không bị muỗi đốt, phải ngủ mùng, kể cả ban ngày.