Đó là nhận định của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM tại “Diễn Kinh tế TP HCM 2022 – HEF 2022” với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP HCM trong tương lai”, diễn ra ngày 15/4, do UBND thành phố tổ chức.
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM, thành phố với hơn 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với hơn 300 ngàn hộ sản xuất kinh doanh cá thể đang tạo ra sức sống cho đời sống kinh tế thành phố.
Lãnh đạo thành phố cho biết, mấy tháng trước đại dịch covid-19 đã làm ngưng trệ và gãy đổ hầu hết các hoạt động kinh tế và sinh hoạt của đời sống xã hội thành phố. Cuối năm 2021 kinh tế trên địa bàn suy giảm đến 7,4%, hầu hết các doanh nghiệp phải chống chọi, vượt qua vô vàng khó khăn để tồn tại chờ cơ hội để hồi sinh.
Tuy nhiên, chính trong bối cảnh khó khăn đó, công nghệ số đã trở thành một công cụ quan trọng trong công tác phòng chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh và đây là thực tiễn minh chứng cho tính hiệu quả của chuyển đổi số.
Dó đó, khi xây dựng “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tề TP HCM giai đoạn 2022-2025”, thành phố đã đề ra mục tiêu và quyết sách: thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa- dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số;....
Ông Phan Văn Mãi cho rằng, mặc dù chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong mọi ngành kinh tế, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức. TP HCM sẽ điều chỉnh, bổ sung các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn giúp doanh nghiệp phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận các mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả.
Bên cạnh đó, tạo cơ hội để các cá nhân và tổ chức đề xuất các kiến nghị về khuôn khổ chính sách khuyến khích và quản lý phát triển kinh tế số; phát huy vai trò các bên liên quan trong hệ sinh thái kinh tế số.
“Có lẽ quá trình chuyển đổi số vấn đề công nghệ quan trọng, nhưng quan trọng hơn là yếu tố con người. Do đó, vấn đề đặt ra là: vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra chính sách động lực để doanh nghiệp thấy được lợi ích và tự vượt qua thách thức để thực hiện quá trình chuyển đổi số; đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh.Mối quan hệ giữa nhà nước- doanh nghiệp và người dân có lẽ là trọng tâm của chính sách trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số”, ông Mãi nhấn mạnh.