Đại lễ tưởng niệm - kỳ siêu đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 đã được khai mạc tại Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TP HCM) vào ngày 18/8 và dự kiến diễn ra đến hết ngày 20/8.
Quang lâm chứng minh, tham dự lễ khai mạc Đại lễ tưởng niệm, kỳ siêu có Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ GHPGVN, Chứng minh Đạo sư GHPGVN TP HCM; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự; ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM; bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, bà Tô Thị Bích Châu, Bí thư Quận ủy Quận 1, TP HCM cùng nhiều chư Tăng Ni, đức Giáo phẩm thuộc 21 Ban Trị sự quận huyện và TP Thủ Đức và thân nhân những người không may qua đời trong đại dịch Covid-19.
Theo Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP HCM, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ, đại lễ diễn ra giữa mùa Vu lan – Báo hiếu đã làm tăng thêm ý nghĩa, thể hiện tình người, thể hiện tinh thần từ bi, tri ân và báo ân của đạo Phật Việt Nam.
Đại lễ kỳ siêu diễn ra đúng vào dịp này còn thể hiện mong muốn xoa dịu phần nào nỗi buồn thương, những day dứt vẫn còn âm ỉ nơi những người có thân nhân qua đời trong đại dịch Covid-19 vừa qua.
"Đại lễ là thông điệp của tình thương, thông điệp của hiểu biết sẽ chuyển hóa được những khổ đau, chuyển hóa được những lo lắng, chuyển hóa được sự bất an trong đời sống tâm linh của Phật tử nói riêng, của đồng bào các giới nói chung, sẽ nương nhờ giọt nước cành dương của Đức Phật hóa giải những oán kết và đem lại đời sống bình yên”, Hòa thượng Thích Lệ Trang nhấn mạnh.
Phát biểu tại đại lễ tưởng niệm, bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM đã nhấn mạnh, việc tưởng niệm đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 trong thời khắc này là dịp cùng nhìn lại thời gian đồng thuận đồng tâm của toàn thể nhân dân TP HCM và đồng bào cả nước để cùng nhau vượt qua vô cùng khó khăn của đại dịch.
Dịp này, bà Phan Kiều Thanh Hương cũng đã ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của Giáo hội Phật giáo TP HCM, cùng các Tăng Ni, Phật tử trong đại dịch vừa qua. “Trong khó khăn đó, đã có những mất mát không gì bù đắp, để có sự thay đổi như ngày hôm nay, từ một màu tối thay đổi thành sự hồi sinh, để chúng ta thấy sự góp sức của TP HCM trong sự phát triển của đất nước”, bà Hương nhấn mạnh./.