Qua phản ánh của người dân và báo chí, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa thông tin việc thực hiện thanh tra, phát hiện và xử lý hàng trăm vị trí rào chắn, lô-cốt phục vụ xây dựng công trình giao thông có biểu hiện chây ỳ thi công, nhắc nhở nhiều lần chưa khắc phục,…
Vừa qua, báo Đại Đoàn Kết có nhiều tin, bài phản ánh về tình trạng một số chủ đầu tư cố tình chây ỳ trong thi công, dựng lô cốt trong thời gian dài, khiến việc di chuyển, đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, tính đến nay, Thanh tra Sở đã xử phạt hơn 120 vị trí rào chắn, lô-cốt tại hơn 60 tuyến đường. Có 307 vụ bị lập biên bản xử lý vi phạm, với số tiền xử phạt lên đến hơn 1,7 tỷ đồng. Trong số này, có khoảng 30 đơn vị thi công vi phạm từ 3 lần trở lên hoặc lặp đi lặp lại vi phạm dù đã bị thanh tra nhắc nhở.
Thanh tra Sở GTVT cũng đã thông tin công khai các nhà thầu vi phạm, như Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thịnh Phát thi công lô-cốt phục vụ một số đoạn của công trình âng cấp đường số 83 và đường số 94 có hành vi vi phạm tới 16 lần; Liên danh nhà thầu Yasuda - Kolon vi phạm 8 lần khi thi công gói thầu G xây dựng hệ thống cống bao dự án cải thiện môi trường nước TP HCM (giai đoạn 2); Công ty CP Công trình Giao thông Sài Gòn vi phạm 8 lần khi thi công tại công trình sửa chữa lớn đường Rừng Sát; Công ty Đầu tư Xây dựng Dầu Khí IDICO vi phạm tới 5 lần trong thi công công trình nâng cấp đường Lương Định Của (đoạn từ Trần Não đến Nguyễn Thị Định, Q.2),…
Trước khi Thanh tra Sở GTVT TP HCM vào cuộc thanh tra, xử lý các vi phạm nêu trên, báo Đại Đoàn Kết đã từng phản ánh về công trình đường ống thoát nước (cấp 2, 3) thuộc Dự án Vệ sinh Môi trường TP HCM (giai đoạn 2) đoạn qua trục đường Nguyễn Duy Trinh (Q.2) thi ông ì ạch kéo dài nhiều năm, với các lô cốt án ngữ giữa đường, khiến cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn, việc kinh doanh buôn bán cũng theo đó bị đình trệ…
Theo phản ánh của người dân, dù đoạn đường Nguyễn Duy Trinh từ khu vực chợ Tân Lập (P.Bình Trưng Đông) kéo đến nút giao thông giao cắt giữa Nguyễn Thị Định và Nguyễn Duy Trinh chỉ kéo dài vài km, nhưng việc thi công kéo dài từ nhiều năm nay.
Theo bà Bạch Thị Huệ Vân (P.Bình Trưng Đông, Q.2), việc thi công đường ống kéo dài, lô cốt rào chắn giữa đường khiến việc buôn bán của hộ kinh doanh gia đình chị chịu nhiều ảnh hưởng, làm ăn bết bát. Còn cô Ba Thu có tiệm kinh doanh gạo phải đóng cửa từ đầu năm do lô cốt chắn ngay mặt cửa hàng, không thể buôn bán được. Cũng theo các hộ dân kinh doanh mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh thuộc hai phường Bình Trưng Đông và Bình Trưng Tây, việc làm ăn, kinh doanh của họ bị ảnh hưởng rất lớn từ việc thi công đường ống rất chậm, kéo theo nhiều khó khăn về đi lại và sinh kế của người dân ở đây. Trung bình, để di chuyển một đoạn lô cốt chừng 5-10m, các đơn vị nhà thầu thuộc dự án Công trình đường ống thoát nước (cấp 2, 3) - Nguyễn Duy Trinh triển khai thi công từ 60-70 ngày chưa xong.
Đại diện phía đơn vị chủ đầu tư giải thích khó khăn của dự án gặp một số vấn đề về kế hoạch bố trí nguồn vốn và dự án cũng đang nợ tiền nhà thầu, chưa giải quyết xong. Tuy nhiên, việc kéo dài thi công giữa bối cảnh ảnh hưởng dịch Covid-19 từ đầu năm nay, khiến việc kinh doanh, buôn bán cũng như đi lại của người dân càng khó khăn hơn.
Không chỉ đối với tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, việc thi công gói thầu XL-03 được triển khai từ đầu năm 2018 nhưng nhiều thời điểm người dân cũng “kêu trời” vì lô cốt, rào chắn thi công kéo dài. Từng có thời điểm, người dân phải khiếu nại do việc đi lại khó khăn nhưng phía kể cả phía tư vấn giám sát, đơn vị nhà thầu vẫn đổ lỗi việc thi công chậm do vướng mắc về mặt bằng.
Được biết, dự án Vệ sinh môi trường TP HCM giai đoạn 2, có tổng mức đầu tư hơn 11.132 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 2015-2020. Giai đoạn này bao gồm ba hợp phần chính, trong đó hợp phần ba là xây dựng mạng lưới cống thoát nước cấp 2, cấp 3 và hệ thống đấu nối hộ gia đình tại Q.2.
Theo tiến độ, cuối 2020 là thời hạn chót của hợp phần 3 của dự án, thế nhưng việc thi công, thực hiện rào chắn, lô cốt đang diễn ra ì ạch và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng địa phương tiếp tục phối hợp cùng các Sở ngành liên quan để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm ổn định cuộc sống người dân./.