TP Hồ Chí Minh: Chờ cơ chế đặc thù mới để bứt phá

THÀNH LUÂN 08/05/2023 08:00

Tiếp xúc cử tri cuối tuần qua, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, dự kiến kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV sẽ thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Kể từ khi thực hiện, Nghị quyết 54 đã tạo hành lang cơ chế phát triển mạnh mẽ cho TP Hồ Chí Minh.

Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng đối với TPHCM cũng như với kinh tế quốc gia trong bối cảnh nền kinh tế “đầu tàu” cả nước chứng kiến nhiều đợt sụt giảm tăng trưởng trong thời gian qua.

Dù vẫn giữ được vị trí và vị thế nhưng quý I năm nay kinh tế TPHCM đã ghi nhận mức tăng trưởng âm, đó là điều xảy ra lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Chủ tịch UBND TPHCM thừa nhận, ngoài yếu tố ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu thì một số yếu tố bên trong cũng là nguyên nhân cản trở sự phát triển của thành phố. Chẳng hạn, thủ tục hành chính liên quan đến các hoạt động kinh tế, triển khai các dự án còn rất mất thời gian cho cá nhân, tổ chức.

Chính quyền thành phố cũng đã nhận diện được các bất cập, khó khăn và nỗ lực để chuyển động hệ thống, nhìn ra các điểm nghẽn về mặt quy trình, thể chế để sửa chữa. Do đó, trả lời những ý kiến của cử tri vào một Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 ông Mãi kỳ vọng, Nghị quyết mới sẽ thực sự là chìa khóa giúp kinh tế - xã hội thành phố hồi phục nhanh chóng và giữ vững vị trí, vai trò dẫn dắt khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Trước đó, ngay khi TPHCM chính thức trình Nghị quyết về cơ chế đặc thù mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, nhằm thay thế cho Nghị quyết 54.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM, tờ trình và nội dung nghị quyết này sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới đây theo trình tự, thủ tục rút gọn. Những điểm đáng chú ý của Nghị quyết mới sẽ giúp thành phố chủ động hơn trong sử dụng nguồn ngân sách thực hiện các dự án, linh hoạt trong thu hút đầu tư và sử dụng nguồn tiền cải cách tiền lương còn dư.

Cụ thể, trong quản lý đầu tư, Trung ương sẽ cho phép TPHCM được chủ động phân bổ nguồn tăng thu ngân sách địa phương nằm ngoài mức vốn đã giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Mặt khác, thành phố cũng được phân bổ vốn để bố trí hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm. Với cơ chế mới này, TPHCM dự kiến có thêm nguồn tăng thu có thể huy động khoảng 119.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án trọng điểm, cấp thiết ngoài các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao trước đây. HĐND TPHCM sẽ chủ động, linh hoạt quyết định khi sử dụng nguồn vốn này. V

ề các khía cạnh đời sống dân sinh, TS Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý TPHCM cũng kỳ vọng, một trong những thụ hưởng đặc biệt đối với người dân thành phố khi Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 được thông qua là TPHCM được sử dụng nguồn quỹ cải cách tiền lương còn dư để tái đầu tư cơ sở hạ tầng, chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công nhân viên chức; tăng chi đầu tư, mua sắm, hoạt động chuyên môn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Chờ cơ chế đặc thù mới để bứt phá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO