Giám đốc Sở Công thương TP HCM khẳng định, đã có kịch bản, kế hoạch đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân trong mùa dịch.
Ngay sau khi có quyết định giãn cách xã hội toàn TP HCM, thị trường ghi nhận có sự biến động nhẹ, đặc biệt ở những “điểm nóng” về dịch bệnh trên địa bàn thành phố.
Chiều 30/5, hàng ngàn người dân thành phố tìm đến chợ, siêu thị để mua hàng hóa, thực phẩm thiết yếu.
Tại siêu thị Emart Phan Văn Trị, quận Gò Vấp, hàng trăm khách hàng tìm đếm mua sắm. Một số kệ hàng bán gạo, mì gói, bún phở khô,… nhanh hết. Nhân viên siêu thị liên tục cho hàng lên quầy.
Tương tự, tại siêu thị Vinmart (thành phố Thủ Đức), nhiều mặt hàng trên kệ cũng được người dân gom hết. Ghi nhận của phóng viên, hầu hết xe đẩy của khách hàng nào cũng đầy ắp thực phẩm.
Tại một số siêu thị Co.oopmart trên địa bàn thành phố, lượng khách mua hàng cũng tăng hơn so với các ngày trước đó.
Bà Nguyễn Thị Hà (thành phố Thủ Đức) tâm sự: “Ở Thủ Đức không giãn cách xã như quận Gò Vấp nhưng tôi vẫn đi mua nhiều lương thực, thực phẩm một chút. Cứ có đồ ăn trong nhà mới yên tâm”.
Đề cập đến nguồn hàng cung ứng cho thị trường, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết: “Hiện nay nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại toàn hệ thống đảm bảo dồi dào, sẵn sàng phục vụ nhu cầu tăng cao của khách hàng. Người dân cần bình tĩnh, không nên đổ xô đi mua hàng hóa quá đông để phòng tránh dịch bệnh lây lan”.
Theo vị này, đơn vị luôn đảm bảo đảm bảo phòng dịch và sẵn nhiều kịch bản để hoàn toàn chủ động nguồn hàng hóa bình ổn đối phó dịch.
Bàn về thị trường tiêu dùng sau khi có quyết định giãn cách xã hội, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP HCM khẳng định, ngành công thương thành phố có kịch bản, kế hoạch đảm bảo hàng hóa phục vụ người dân trong mùa dịch.
Cụ thể các doanh nghiệp bình ổn đảm bảo nguồn hàng cung ứng trước và trong mùa dịch với lượng hàng cao gấp 2-3 lần so với bình thường. Hiện nay các mặt hàng nhu yếu phẩm và các mặt hàng thực phẩm tại chợ đầu mối, trung tâm siêu thị khá dồi dào.
Về giá cả hàng hóa, nhiều siêu thị đang thực hiện các chương trình giảm giá, khuyến mãi.
Sở Công thương cũng yêu cầu, các đơn vị bán lẻ, doanh nghiệp hàng hóa thiết yếu phối hợp với các nhà cung cấp luân phiên giảm giá, khuyến mãi để chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.