Chiều 8/8, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Đề án nâng cao năng lực phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn; sơ kết 2 năm Dự án quy hoạch ngành phòng cháy chữa cháy trên địa bàn thành phố đến năm 2025.
Theo ông Lê Tấn Bửu, nguyên Giám đốc Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP. Hồ Chí Minh, qua 5 năm thực hiện Đề án (ban hành ngày 16/12/2013) hiệu quả lớn mà Đề án đạt được đó chính là số sự cố cháy mà lực lượng cơ sở phát hiện xử lý kịp thời đạt gần 75%. Thành phố đã cấp hơn 1.870 tỷ đồng triển khai 44 dự án đầu tư xây dựng, trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy; Công an thành phố kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy hơn 370.000 lượt cơ sở, lập 41.905 biên bản vi phạm hành chính...
Về lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ, thành phố đã lập gần 2.000 đội dân phòng (hơn 21.000 đội viên), hơn 41.000 đội phòng cháy chữa cháy cơ sở (hơn 300.000 đội viên), 17 đội phòng cháy chữa cháy tại các khu công nghiệp - khu chế xuất.
Từ năm 2014 đến năm 2018, lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ đã kịp thời xử lý 4.650 sự cố về cháy. Tuy nhiên, việc triển khai lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm kết nối với Trung tâm chỉ huy chữa cháy của thành phố tại các cơ sở có nguy có cháy nổ cao chưa đảm bảo tiến độ. Hiện mới có 1.381/12.481 cơ sở lắp đặt, chỉ đạt trên 11%, gây khó khăn cho việc dự báo, phát hiện, xác định và xử lý sự cố cháy.
Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đánh giá, kết quả lớn nhất chính là đã tạo chuyển biến nhận thức chung của cả hệ thống chính trị, từ đó hạn chế được rất lớn thiệt hại về sự cố cháy nổ, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự xã hội.