Ngày 10/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân tiếp doanh nghiệp để nghe đề xuất giải pháp xử lý các bãi chôn lấp rác lâu năm, xử lý ô nhiễm môi trường và tạo quỹ đất phát triển đô thị.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân làm việc với các doanh nghiệp xử lý rác thải.
Sớm xử lý các bãi chôn lấp rác
Tại buổi gặp gỡ doanh nghiệp xử lý rác, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, hiện thành phố có 5 BCL được đóng cửa (ngưng tiếp nhận chất thải rắn sinh hoạt) theo quy định. Các bãi chôn lấp có thể khai thác, xử lý, trả lại hiện trạng đất ban đầu do đủ điều kiện xử lý các chất thải đã chôn lấp và sử dụng quỹ đất để phát triển nguồn kinh tế, xã hội . Trong 5 bãi chôn lấp có 2 bãi có diện tích lớn đó là Gò Cát (quận Bình Tân) với 25 héc ta; Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) với 40 héc ta.
Đại diện Sở Tài nguyên Môi trường khẳng định, bất kỳ nhà đầu tư nào tham gia dự án cải tạo, xử lý các bãi chôn lấp cần phải xử lý theo nguyên tắc tạo ra sản phẩm đem lại giá trị.
Cụ thể sau khi xử lý, mùn và đất có thể làm phân hữu cơ hoặc phân vi sinh. Các rác nhựa có thể sấy, làm khô, ép lại làm than đốt, vật liệu xây dựng. Trường hợp làm đúng thì bãi rác chôn lấp cũ sẽ đem lại nguồn thu cho thành phố. Riêng quỹ đất, sau khi xử lý có thể đấu giá nhằm phát triển gắn với quy hoạch của quận – huyện đó.
Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp xúc với một nhà đầu tư tham gia cải tạo bãi chôn lấp Gò Cát và 8 nhà đầu tư tham gia bãi chôn chôn lấp Đông Thạnh.
Bàn về kế hoạch xử lý các bãi chôn lấp rác, ông Nguyễn Công Hồng, Tổng Giám đốc Công ty TDH Ecoland cho hay: “Với bãi chôn lấp Gò Cát, chúng tôi sẽ mất 2 năm xử lý xong. Bởi vì, cũng giống như bãi chôn lấp Gò Cát, dự án xử lý rác tại tỉnh Hải Dương triển khai mới được một năm nhưng kết quả đạt được đến 50%. Nếu TP HCM giao phát triển cả đô thị sẽ mất 3 năm để hoàn thành. Ưu điểm ở đây, Nhà nước không bỏ ra kinh phí để giải phóng rác bãi Gò Cát đã chôn lấp nhưng mặt bằng sẽ được trả lại với môi trường sạch, để phát triển kinh tế xã hội. Từ đó biến vùng đất ô nhiễm thành khu đô thị xanh, sạch, đẹp”.
Nhà đầu tư này thể hiện rõ quan điểm, xem rác là tài nguyên và tận thu tối đa tất cả các sản phẩm, không bỏ bất cứ thứ gì. Quy trình được đại diện doanh nghiệp đưa ra, bóc lớp đất phủ bề mặt bãi rác, làm tơi rác đã được đào lên, tiếp tục xử lý nước rỉ rác, phun vi sinh khử mùi và diệt khuẩn có hại. Sau đó sàng lỏng phân loại ra mùn hữu cơ, gạch đá, nilon, nhựa, kim loại, các thành phần không phân hủy khác, không tái chế được. Các công đoạn xử lý tiếp theo là tập kết rác hữu cơ về làm nguyên liệu sản xuất phân bón, tái chế, san lấp hoàn tra mặt bằng.
Rác thải là tài nguyên
Theo Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân, mỗi ngày thành phố thải ra khoảng 9.000 tấn rác sinh hoạt. Hàng triệu tấn rác chôn lấp rồi để đấy, chưa có nhiệm vụ cụ thể trong thay đổi phương thức xử lý rác. Thành phố cần có kế hoạch toàn diện thay đổi cách xử lý nhằm giải phóng tài nguyên đất và ô nhiễm môi trường vì là vấn đề mà người dân, nhà đầu tư nước ngoài quan tâm rất nhiều.
Phấn đấu trong tháng 9, 10 tới sẽ khởi công 2 nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện, với công suất 2.000 tấn/bãi rác. Nếu làm tốt đến năm 2025 có thể làm được bài toán xử lý 70 – 80% rác bằng công nghệ đốt phát điện.
Bí thư Thành ủy TP HCM cho rằng: “Từ trước đến nay việc xử lý rác thải của thành phố đều dó nguồn lực ngân sách thực hiện, chưa thấy được nguồn lực xã hội, doanh nghiệp. Đến thời điểm này đã có doanh nghiệp báo cáo thành phố hướng xử lý rác hàng triệu tấn để không bị ô nhiễm, trả lại môi trường xanh, sạch. Chắc chắn việc làm này có khả thi vì doanh nghiệp đã làm thực tế”.
Ngoài vấn để xử lý cho được rác thải sinh hoạt, thành phố còn quan tâm đến việc sử dụng lại quỹ đất đã dùng chôn lấp rác. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, hàng chục héc ta đất phải sử dụng để chứa rác có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Nếu xử lý tốt thì sẽ phát triển nguồn tài nguyên đất xây dựng công viên, cây xanh, nhà ở cho người dân nhưng vấn đề này chúng ta chưa được đề cập thực tiễn trong khi tài nguyên đất đang năm ở đây.
Mong muốn xử lý tốt các bãi chôn lấp rác,thành phố cho biết, sắp tới sẽ tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp, các nhà khoa học để lắng nghe sáng kiến. Đây là phương thức tăng tốc phát triển một cách hiệu quả. Cần thiết, thành phố tổ chức các cuộc gặp gỡ định kỳ để hiểu thêm nội dung, sáng kiến của doanh nghiệp, nhà khoa học. Trường hợp, có giải pháp hiệu quả thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai.