TP Hồ Chí Minh: Hướng đến sản phẩm du lịch đặc trưng

Lê Anh 31/03/2017 08:35

Sở Du lịch TP HCM cho rằng, với tiềm năng mỗi năm đón trên 5,2 triệu lượt khách quốc tế và gần 22 triệu khách nội địa, chiếm đến hơn 1/3 lượng du khách trên cả nước thì ngoài tiếp tục đầu tư cho các loại hình du lịch, TP HCM đang nhắm đến xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có của thành phố để phát triển ngành này thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Du lịch văn hóa đường phố được đề nghị là sản phẩm du lịch đặc trưng của TP HCM (Ảnh: Hồng Phúc).

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết, hiện nay nếu để chọn ra các sản phẩm du lịch của TP HCM thì trước tiên là du lịch văn hóa đường phố, du lịch hội nghị - hội thảo (mice). Ngoài ra là các sản phẩm du lịch mới như phố đông y, phố đi bộ, con đường âm nhạc, chợ phiên cuối tuần và chương trình kích cầu du lịch,...

Để phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng thì cần phải đáp ứng đủ các yếu tố lữ hành, lưu trú, vận chuyển và dịch vụ. Tuy nhiên, theo ông Vũ, với cơ sở vật chất, nhân lực hiện nay của TP HCM mà nói, ngành du lịch thành phố đủ đáp ứng cho 2.113 cơ sở lưu trú với khoảng 49.000 phòng, trong đó công suất khai thác hiện nay mới chỉ vào khoảng 65% và thành phố hoàn toàn đảm bảo tiếp đón được trên 7,5 triệu du khách quốc tế.

Tính đến nay, trên toàn thành phố có gần 1.200 doanh nghiệp hoạt động lữ hành, cùng gần 5.000 hướng dẫn viên, với năng lực tiếp nhận lượng khách lớn. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành du lịch TP HCM cũng nhìn nhận để du lịch thành phố trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì còn rất nhiều việc phải làm.

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Viettravel, để chọn ra một sản phẩm du lịch đặc trưng của TP HCM thì không thể bỏ qua các loại hình du lịch văn hóa đường phố, du lịch hội nghị - hội thảo (mice), du lịch y tế và chữa bệnh, du lịch mua sắm, du lịch văn hóa.

Trong đó, với nhiều bình chọn quốc tế cho ẩm thực đường phố thì du lịch văn hóa đường phố nên được chọn là sản phẩm du lịch đặc trưng của TP HCM.

Ngoài lựa chọn sản phẩm du lịch đặc trưng cho thành phố lớn nhất nước, ông Kỳ cũng kỳ vọng thành phố sẽ có một lực lượng đặc thù là cảnh sát du lịch để đảm bảo chuyên nghiệp, an toàn cho du khách, hướng đến phát triển ngành này thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Bà Dương Thanh Thủy - Đại diện chuỗi mua sắm Miss Áo Dài thì gợi ý thành phố nên phát triển sản phẩm du lịch về mua sắm vì nếu chỉ tính mức chi tiêu khoảng 1.000 USD của mỗi du khách quốc tế khi đến thành phố, thì mỗi năm thành phố sẽ có nguồn thu nhập trên 5 tỷ USD và cả nước là hơn 10 tỷ USD.

Bà Thủy cũng gợi ý lãnh đạo TP HCM và tỉnh Tiền Giang nên nghiên cứu xây dựng một trạm dừng chân MEKONG đặt tại tỉnh Tiền Giang, kết hợp du lịch sông nước, nhà vườn với du lịch mua sắm của TP HCM để tối ưu hóa doanh thu ngành này cho cả hai địa phương.

Theo Sở Du lịch TP HCM, chỉ tiêu ngành du lịch thành phố đặt ra cho năm 2017 là thu hút 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng khoảng 15,39% so với năm 2016; trong khi đó lượng khách nội địa đến thành phố sẽ đạt 25 triệu lượt, với mức tăng gần 15% so với năm trước. Mục tiêu cao nhất là tổng doanh thu toàn ngành vào cuối năm nay sẽ phấn đấu đạt khoảng 120.000 tỉ đồng, với mức tăng 16,5% so với năm ngoái.

Để đưa các mục tiêu cán đích vào cuối năm 2017, các ý kiến cho rằng, TP HCM nên quan tâm đến các lĩnh vực liên quan khác, có tác động đến ngành du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông.

Ông Võ Anh Tài - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) góp ý, trở ngại lớn nhất của thành phố hiện nay vẫn là tình trạng kẹt xe và TP HCM vẫn đang phải nỗ lực cải thiện hạ tầng giao thông bằng các siêu dự án như tuyến Metro trên cao, hầm Thủ Thiêm, cầu Thủ Thiêm, các đại lộ vành đai… Ông Tài gợi ý lãnh đạo thành phố nên tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành tham gia vào việc phát triển các sản phẩm du lịch thế mạnh của thành phố như du lịch hội nghị - hội thảo, du lịch thăm quan đường thuỷ, du lịch mua sắm, du lịch sinh thái…”.

Muốn ngành công nghiệp không khói “đẻ trứng vàng” không khó, quan trọng là thành phố có chiến lược và quy hoạch tổng thể, huy động được nhiều nguồn lực đầu tư xã hội đầu tư vào du lịch và phải có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp lữ hành, để tạo được điểm nhấn đặc sắc, riêng biệt…”. Ông Võ Anh Tài hiến kế.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP HCM, ngoài phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, cũng nên tận dụng phát triển sản phẩm du lịch quận/huyện sẵn có.

Cụ thể, thành phố đặt chỉ tiêu cho mỗi quận huyện xây dựng 1-2 sản phẩm du lịch mới và có giải pháp đảm bảo an toàn cho du khách du lịch đường thủy trên các địa bàn. UBND TP HCM sẽ có giao ban hàng tháng để theo dõi hoạt động phát triển ngành du lịch để tìm các giải pháp khắc phục cũng như phát huy lợi thế.

Việc tìm kiếm sản phẩm du lịch đặc trưng, cộng với các lợi thế có sẵn, như hạ tầng khách sạn, trung tâm hội nghị, người dân thành phố thân thiện, năng động, mến khách thì việc ngành du lịch thành phố trong tương lai sẽ cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia du lịch láng giềng như Singapore, Thái Lan, Malaysia,…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Hướng đến sản phẩm du lịch đặc trưng