Ngày 15/10, UBND TPHCM đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao trên địa bàn TPHCM trong năm 2024 theo hình thức PPP. Tại đây, TPHCM kêu gọi doanh nghiệp đầu tư 23 dự án với tổng vốn dự kiến hơn 23.600 tỷ đồng.
Trong đó, thành phố ưu tiên mời đầu tư ngay trong năm nay 5 dự án với tổng vốn hơn 2.300 tỷ đồng và giới thiệu 18 dự án với tổng vốn hơn 21.255 tỷ đồng để doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất phương án.
5 dự án ưu tiên đầu tư gồm xây dựng mới Trung tâm biểu diễn nghệ thuật lao động A-B, quận 5 (164 tỷ đồng); Nhà hát Gia Định, quận Bình Thạnh (250 tỷ đồng); Trung tâm Văn hóa TP, quận 1(295 tỷ đồng); Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật TPHCM tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (chưa xác định mức đầu tư) và Trung tâm Văn hóa thể thao đa năng thành phố tại huyện Cần Giờ với 1.643 tỷ đồng.
Trong 18 dự án để các nhà đầu tư nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư có 16 dự án thành phần thuộc Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc (TP Thủ Đức), gồm: Học viện bóng đá và cụm 6 sân tập bóng đá ngoài trời (1.000 tỷ đồng), sân vận động chính có bố trí đường chạy điền kinh (7.000 tỷ đồng), nhà đua xe đạp lòng chảo tích hợp đường đua xe mô tô kết hợp sân bóng đá ngoài trời (4.000 tỷ), sân thi đấu các bộ môn điền kinh (1.500 tỷ đồng)...
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, lĩnh vực văn hóa không phải ngành phát sinh nhiều lợi nhuận. Các nhà đầu tư tham gia với tình cảm, đam mê và trách nhiệm, phía chính quyền thành phố sẽ tạo điều kiện về môi trường, cơ chế, chính sách.
Theo ông Mãi, Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép thành phố thử nghiệm những mô hình và cách thức quản lý mới, linh hoạt hơn so với các quy định chung khi thực hiện dự án PPP. Đơn cử ngân sách sẽ tham gia dưới 70% (quy định pháp luật hiện hành không quá 50%) tổng vốn đầu tư ở một số dự án PPP cụ thể. Thành phố cũng có cơ chế bù đắp cho nhà đầu tư ở các dự án BOT trong trường hợp thu không đủ nhằm đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, TPHCM không chỉ là đầu tàu về kinh tế, xã hội mà ở lĩnh vực văn hóa, thành phố cũng dẫn đầu. Điều này không phải do tự suy tôn mà lịch sử và thực tế đều đã chứng minh, Đảng và Nhà nước cũng nhìn nhận. Do đó, chính quyền thành phố cần định vị lại vị thế để tạo ra thị trường tiềm năng, thu hút được nhà đầu tư.
"Đừng nghĩ nhà hát chỉ là nơi biểu diễn, sân vận động là nơi thi đấu mà đó phải là những công trình kiến trúc, tồn tại trăm năm, trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ" - ông Hùng nói, đồng thời cho biết Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ đồng hành, tháo gỡ, kiến nghị những khó khăn vượt thẩm quyền của thành phố để thúc đẩy nhanh các dự án.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Trong 12 ngành công nghiệp văn hóa được nêu tại Quyết định số 1755 của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM đã ưu tiên tập trung đầu tư 8 ngành để phát triển, nâng chất, tăng hàm lượng chất xám và khoa học - công nghệ cao trên từng sản phẩm. Qua số liệu ước tính tại Đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa TPHCM đến năm 2030, doanh thu đạt khoảng 7-8% GRDP, tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, kết hợp và phát huy được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Và để các đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại TPHCM đi vào thực tế có hiệu quả, các nhà đầu tư, các đơn vị lãnh đạo liên quan cần nghiên cứu tìm kiếm thị trường cho ngành văn hóa - thể thao của TPHCM”.