Chiều 15/7, ghi nhận một vòng các siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Vinmart, Top Market, Bách Hóa Xanh,… sáng nay không còn cảnh người dân xếp hàng dài trăm mét phía trước siêu thị để chờ mua hàng.
Giảm tình trạng chen nhau mua hàng
Tại siêu thị Top Market (thành phố Thủ Đức), lượng khách đến mua hàng không nhiều. Tuy nhiên, siêu thị quy định khách vẫn phải xếp hàng đợi theo quy định để đảm bảo khoảng cách an toàn khi mua sắm.
Tại một số siêu thị khác hầu như cũng không còn cảnh người xếp hàng dài để chờ mua hàng.
Các siêu thị chủ động điều phối lưu lượng khách bên trong hợp lý, bố trí chổ ngồi và mời mỗi lượt 10 khách vào mua sắm với khoảng thời từ 20 phút đến 40 phút để nhường cho lượt khách kế tiếp.
Về giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, nhìn chung giá thực phẩm tại các siêu thị không có sự biến động. Thịt heo đùi dao động từ 140.000 - 159.000 đồng/kg; thịt ba rọi có giá 200.000 đồng/kg, nạc thăn heo 170.000 đồng/kg, thịt heo xay 160.000 - 170.000 đồng/kg.
Đối với mặt hàng rau củ quả, giá cả dao động từ 16.000 - 60.000 đồng/kg. Cụ thể, bắp cải thường 16.500 đồng/kg, bắp cải tím 55.000 đồng/kg, bí đỏ hồ lô 25.000 đồng/kg, tần ô 52.000 đồng/kg,…
Ghi nhận của phóng viên, nhiều khách hàng tới mua thịt heo, rau quả đủ dùng cho vài ngày chứ không mua với số lượng lớn.
Khai thông hàng hóa
Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cho biết, lượng hàng hóa tươi đang nhập về TP HCM ngày càng nhiều do giao thông dần được khai thông.
Chỉ cần có sự phối hợp hỗ trợ mua sắm tiêu dùng hết sức vừa phải, trách nhiệm của người dân thì ai cũng sẽ mua được lương thực thực phẩm với giá tốt và đồng thời còn an toàn khi đến siêu thị.
Hiện phương pháp phát phiếu hẹn giờ để khách mua hàng đang được Saigon Co.op từng bước áp dụng mở rộng tại các cửa hàng tránh người dân dồn về siêu thị cùng một thời điểm, giảm tối đa hiện tượng tắc nghẽn và không đảm bảo 5K.
Liên quan tới việc đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người tiêu dùng tại TP HCM, bên cạnh siêu thị, cửa hàng thực phẩm Sở Công Thương thành phố lập điểm bán thực phẩm lưu động, khôi phục hoạt động chợ truyền thống.
Theo đó, tính đến ngày 15/7, đơn vị này đã tổ chức được 148 điểm bán hàng lưu động tại nhiều quận, huyện, thành phố Thủ Đức. Mỗi chợ truyền thống sẽ có 2-10 tiểu thương để triển khai bán mặt hàng rau củ quả. Nếu có nhiều tiểu thương muốn tham gia kinh doanh, sẽ bố trí theo hình thức luân phiên.
Nhằm hỗ trợ việc lưu thông hàng hóa, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP HCM mới đề nghị các trung tâm y tế, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tổ chức luồng ưu tiên xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người điều khiển phương tiện vận tải. Đặc biệt với phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản.