Theo Đề án và Kế hoạch thực hiện chính sách tinh giản biên chế của TP HCM thì trong 7 năm (2015 – 2021) thành phố đông dân nhất nước sẽ tiến hành cắt giảm 13.927 biên chế thuộc các cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan thuộc khối sự nghiệp trên địa bàn thành phố.
Ông Lê Văn Làm.
Năm 2016, mục tiêu chỉ cắt giảm 100 người
Con số cắt giảm biên chế của TP HCM gần như nhiều nhất cả nước, vượt qua cả thủ đô Hà Nội với diện tích hành chính vượt cả TP HCM kể từ khi được mở rộng. Cụ thể, theo ông Lê Văn Làm, Phó GĐ Sở Nội vụ TP thì thành phố đã đề xuất lộ trình cắt giảm biên chế cho từng năm chứ không còn là kế hoạch chung cho giai đoạn 7 năm. Chẳng hạn, mục tiêu chung là trong 7 năm tới thành phố sẽ tinh giảm 13.927 biên chế, trong đó khối hành chính là 1.311 người và khối sự nghiệp 12.616 người. Đáng chú ý, số lượng cán bộ, công chức thành phố được đưa vào Đề án cắt giảm sẽ tập trung vào các năm 2018, 2019, 2020 và 2021.
Theo Đề án, năm 2015 mới chỉ là năm đầu của một cuộc tinh giản đồng bộ bắt đầu từ năm 2018. Điển hình là cả năm 2016 thì Đề án chỉ đặt mục tiêu cắt giảm 100 người thuộc khối hành chính và đến năm 2017 cũng chỉ đặt ra mục tiêu khiêm tốn là cắt giảm thêm 170 người nữa. Ngay cả khối sự nghiệp là nơi sẽ cắt giảm số lượng cán bộ, công chức lớn nhất, nhưng thành phố cũng chỉ đặt mục tiêu trong năm 2016 cắt giảm 610 người và đến năm 2017 nâng việc cắt giảm lên con số 1.000 người. Trong khi năm 2020 con số cắt giảm của riêng khối sự nghiệp sẽ là 3.000 biên chế.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, Thành ủy TP HCM đã triển khai Kế hoạch (số 206-KH/TU) từ ngày 17/9/2015 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn thành phố. Theo đó, các quận, huyện được đôn đốc rà soát, kiện toàn lại hợp lý các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, huyện theo hướng thu gọn đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu của đô thị đặc biệt. Trong đó, lĩnh vực GD-ĐT và y tế sẽ được coi là các lĩnh vực mà thành phố quan tâm đặc biệt. Từ năm 2017 thành phố sẽ thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để các đơn vị hành chính, cũng như khối sự nghiệp có thể tự chủ để thực hiện các nhiệm vụ của mình.
Có bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, viên chức
Một trong những nội dung đáng chú ý khác trong Kế hoạch tinh giản biên chế của TP.HCM là định hướng xây dựng tiêu chí đánh giá năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh của vị trí việc làm, kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, theo Phó GĐ Sở Nội vụ TP Lê Văn Làm thì đối tượng tinh giản biên chế sẽ căn cứ theo Điều 6 của NĐ-108 và sẽ không giới hạn chức vụ, bằng cấp, học vị, giới tính, độ tuổi. Thay vào đó, thành phố sẽ căn cứ vào sự đánh giá năng lực làm việc của cán bộ, công chức dựa vào tiêu chí đánh giá từ trên xuống.
Theo tiêu chí này thì UBND TP là cơ quan đánh giá cao nhất. Ủy ban này sẽ đánh giá năng lực của các Ban GĐ các Sở ngành. Ban GĐ Sở ngành sẽ lại là người đánh giá các trưởng, phó phòng ban; trưởng, phó phòng ban sẽ đánh giá các cán bộ, công chức tại phòng ban của mình. Cứ như vậy cho đến cấp nhỏ nhất trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và khối sự nghiệp. Và, sẽ không có nể nang, tình cảm trong các tiêu chí đánh giá năng lực (theo hướng từ trên xuống) trong Đề án; rồi sẽ thêm nhiều kênh đánh giá như tại chi bộ Đảng- đại diện Sở Nội vụ TP.HCM cho biết.
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh.
Đừng để người giỏi xin ra khỏi cơ quan nhà nước
Đánh giá về Đề án tinh giản biên chế của TP HCM đến 2021, nhiều chuyên gia phân tích, nhà nghiên cứu chính sách cho rằng, đây là công việc đáng ra phải được thực hiện thường xuyên hàng năm. PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường thuộc Ủy ban MTTQ TP HCM cho biết, việc giám sát Đề án là một trong những nhiệm vụ mà Ủy ban MTTQ TP HCM phải thực hiện ngay khi đề án được triển khai trên thực tiễn. Theo ông Ninh, hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước cũng như khối cơ quan, đơn vị sự nghiệp của cả nước nói chung và TP HCM hiện nay còn cồng kềnh và không còn phù hợp với nhu cầu phát triển mới, nhất là đối với một đô thị đặc biệt như TP HCM.
Ông Ninh cũng cho biết, thực tế có nhiều cán bộ, công chức có năng lực, không lọt vào danh sách bị cắt giảm nhưng lại xin nghỉ việc để chuyển qua các đơn vị kinh tế tư nhân hoặc các nơi khác có chế độ, chính sách, vị trí tốt hơn. Đây cũng chính là một vấn đề mà Sở Nội vụ TP cần quan tâm tham mưu cho UBND TP trong quá trình phê duyệt Đề án.
Đại tá Lê Minh Số, nguyên cán bộ thuộc Bộ Tổng Tham mưu cho rằng, TP HCM cần phải nghiên cứu rất kỹ Đề án. Đã đến lúc cần một bộ máy hành chính, sự nghiệp thật sự tinh gọn, hiệu quả và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tránh trường hợp cán bộ, công chức đông mà giấy tờ, thủ tục hành chính rườm rà, gây cản trở sự phát triển của đất nước. “Nên chăng tinh giản biên chế ở đây nên suy nghĩ theo hướng tăng vai trò, chức trách và một cơ chế thoáng hơn cho những người đứng đầu có đủ tầm, đủ đức” - ông Số gợi ý.
Cùng có ý kiến chia sẻ với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Minh Hoan (P.Tân Định, Q.1) cho rằng, vừa qua thống kê số lượng thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp lên đến hàng chục ngàn người. Và, nên chăng các khối hành chính, sự nghiệp nên tạo cơ chế mở cho thế hệ trẻ phát huy và những cán bộ, công chức đã nghỉ hưu thì nên làm đơn tình nguyện nghỉ đúng thời gian để tạo điều kiện cho cán bộ trẻ cống hiến.
Chuẩn Đô đốc Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Kinh tế Biển TP HCM: Phải có tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ Thiếu tướng Lê Kế Lâm (Ảnh: Hồng Phúc). Tôi đã có một bản kiến nghị dài hơn 10 trang góp ý với Trung ương, trong đó có phần đề xuất về vấn đề này. Việc cắt giảm các thành phần khối hành chính, sự nghiệp, nên chú ý vào các phòng ban, bộ phận quan trọng, ví dụ các văn phòng (Văn phòng Thành ủy, UBND TP, HĐND). Nên suy nghĩ làm thế nào hợp lý hóa, sáp nhập các văn phòng này lại. Hoặc, xem xét từ thành phố đến các phường nếu có thể sáp nhập, thống nhất các cấp hành chính tạo điều kiện quản lý tốt hơn là cách tinh giản vài trăm người ở Sở này, vài trăm người ở ngành kia thì không cơ bản. Còn như cơ chế đánh giá năng lực như đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ TP phân tích, tôi cũng e là sẽ có cảm tình, nể nang. Nên tôi cho rằng đánh giá năng lực là phải có tiêu chí đánh giá của từng loại công việc. |