TP HCM kiến nghị nhiều vấn đề, giải pháp để phát triển giáo dục TP trong những năm tới đồng thời mong muốn cho phép các trường hợp F0 được thi tốt nghiệp THPT ít ngày tới đây.
Chiều 25/4, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM về các vấn đề giáo dục, đào tạo của thành phố. Trước đó, đoàn của Bộ GD&ĐT đã trực tiếp đi thăm, nắm tình hình và làm việc với một số cơ sở giáo dục trên địa bàn như Trường ĐH Văn Lang (Bình Thạnh), Trường mầm non Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7)....
Tại buổi làm việc, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, hiện thành phố có 2.366 trường học. Trong đó mầm non có 1.351 trường, tiểu học có 514 trường, THCS có 286 trường, THPT có 204 trường, trong đó có 269 trường là trường chuẩn quốc gia.
Ngoài ra, thành phố có hơn 1,61 triệu học sinh và hơn 77.000 giáo viên cùng 1.791 cơ sở giáo dục thường xuyên, 1.450 trung tâm ngoại ngữ tin học, 310 trung tâm học tập cộng đồng tại 22 quận huyện và TP Thủ Đức. Toàn thành phố có 51 cơ sở giáo dục đại học và ĐH Quốc gia TP HCM, 52 trường cao đẳng, 64 trường trung cấp và 346 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, với hơn 600.000 sinh viên.
Cũng theo ông Đức, thời gian tới TP HCM cũng đã đặt ra 9 mục tiêu từ nay đến năm 2025 và các giải pháp cụ thể để thực hiện. Theo đó, đến năm 2025, thành phố phấn đấu đạt 300 phòng học/một vạn dân trong độ tuổi đi học. Đến năm 2025, 80% trường tiểu học, 60% trường THCS và 80% trường THPT tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, 90% trẻ từ ba tuổi được học mẫu giáo; 99,8% người dân tại TP HCM trong độ tuổi 19 đến 60 biết chữ; 90% giáo viên mầm non tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, 95% giáo viên tiểu học, THCS và 100% giáo viên THPT có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên…
Đặc biệt, ông Đức cũng kiến nghị tại kỳ thi THPT năm 2022 này, Bộ GD&ĐT đồng ý chủ trương và có hướng dẫn cho học sinh thuộc diện F0 (ca bệnh xác định) tham gia kỳ thi. Các điểm thi bố trí phòng thi riêng, thực hiện nghiêm túc các phương án phòng chống dịch, cử cán bộ giám sát, cán bộ coi thi đảm bảo đúng quy định.
Cũng trong buổi họp, liên quan tới chương trình môn Lịch sử, ông Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM cho biết, thời gian qua môn lịch sử đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội. Dù môn học này theo chủ trương là môn tự chọn cho học sinh để định hướng chuyên sâu ở THPT chứ không phải bỏ hẳn. Vì vậy, với những thông tin này, ông Sơn kiến nghị Bộ GD&ĐT cần chủ động có ý kiến sớm và rõ ràng, chi tiết, dễ hiểu để tránh dẫn đến những ý kiến bức xúc, làm ảnh hưởng đến tổ chức dạy học ở các trường.