Kinh tế

TP Hồ Chí Minh: Mở cửa bước vào kỷ nguyên phát triển mới

THÀNH LUÂN 01/01/2025 16:31

Năm 2024, hầu hết các mục tiêu đề ra đều đã được thành phố hoàn thành, đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân về việc vận dụng triển khai Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội khóa XV về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển để TPHCM bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Năm 2025, TPHCM kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước với quyết tâm tiếp tục thực hiện hiệu quả chuyển đổi số và Nghị quyết 98 của Quốc hội.

ảnh 1
TP Hồ Chí Minh đã và đang đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiều thành tựu về chuyển đổi số

Để thực hiện chủ đề năm “Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội”, ngay từ đầu năm 2024 UBND TPHCM đã ra mắt Trung tâm Chuyển đổi số thành phố trên cơ sở tổ chức lại trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (TTTT) trực thuộc Sở TTTT thành phố. Cùng với sự kiện này, lần đầu tiên TP HCM công bố bộ chỉ số chuyển đổi số để đánh giá các Sở ngành, địa phương; đồng thời công bố bộ nhận diện chính quyền số thành phố.

Đầu năm 2024, TPHCM đang duy trì khoảng 14 nền tảng số, nhưng hầu hết còn rất rời rạc, chưa thông suốt. Bên cạnh đó, có nhiều đơn vị cùng tham gia xây dựng ứng dụng của chính quyền nhưng cũng không xác nhận về an toàn thông tin và chưa đảm bảo kiến trúc chính quyền điện tử vào thời điểm đó. Lúc này, Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM ra đời, với kỳ vọng sẽ khai thác tối đa các công nghệ số và dữ liệu; mở rộng hợp tác, thúc đẩy và huy động các nguồn lực để cung cấp các dịch vụ số phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng thuận tiện, dễ dàng, an toàn; phát triển chính quyền số, tạo động lực phát triển kinh tế số, kinh tế dữ liệu... Với việc chuyển đổi số gần như toàn diện và sâu rộng trong bộ máy, UBND TPHCM muốn các kết quả sẽ quay trở lại phục vụ cho chính người dân, trong đó đảm bảo cho 15.000 hộ nghèo được tiếp cận điện thoại thông minh và khai thác tài nguyên, kiến thức hữu ích từ internet.

Trong tuần lễ chuyển đổi số TPHCM năm 2024 diễn ra vào tháng 12 vừa qua, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở TTTT đã chia sẻ về các kết quả ấn tượng bước đầu của các nỗ lực tăng tốc chuyển đổi số từ đầu năm 2024 đến cuối tháng 10/2024. Theo ông Thắng, TPHCM đã vận dụng tối đa thẩm quyền, bên cạnh vận dụng triển khai nội dung từ Nghị quyết 98 (về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM) để xây dựng chính sách cho chuyển đổi số. Nhờ vậy, hoạt động trên môi trường số được ưu tiên, có tính tiên phong để kiến tạo phát triển kinh tế số và xã hội số, đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Với các hạ tầng chuyển đổi số hiện nay, TPHCM hoàn toàn đủ khả năng với mục tiêu sẽ đưa toàn bộ nền hành chính thành phố vận hành trên các nền tảng số vào năm 2025, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn diện về chính quyền số, làm cơ sở bền vững thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và phát triển đô thị thông minh.

TPHCM cũng sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng số, hiện đại hóa và đi trước một bước để thúc đẩy chuyển đổi số thành phố. Thời gian tới, việc vận dụng Nghị quyết 98 và các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển nhanh nguồn nhân lực số cũng sẽ nằm trong định hướng của TPHCM. Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng thêm các khung chính sách để thu hút hiệu quả đầu tư tham gia vào phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ số, nhất là công nghiệp bán dẫn. Đáng chú ý, thành phố dự kiến tập trung phát triển về trí tuệ nhân tạo, trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây,…Định hướng này sẽ thực hiện song song với việc phổ cập kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận, trang bị kiến thức, để đủ khả năng thụ hưởng các thành quả của quá trình chuyển đổi số.

ảnh thay dưới
Tuyến metro số 1 vừa đi vào vận hành tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: M.H.

Bước vào kỷ nguyên phát triển mới

Song song với chuyển đổi số, việc vận dụng triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM là mục tiêu quan trọng thứ hai trong chủ đề năm 2024 của thành phố.

Một trong những kết quả thực tiễn, sự cụ thể hóa rõ ràng nhất là sự ra đời của TP Thủ Đức, là mô hình “thành phố trong thành phố” đầu tiên của cả nước. Được thành lập vào ngày 1/1/2021 trên cơ sở sáp nhập 3 quận phía Đông của TPHCM (quận 2,9 và Thủ Đức), đến nay TP Thủ Đức đã ổn định về cơ cấu, tổ chức và có những chuyển động quan trọng về thành tựu kinh tế - xã hội và các mô hình cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính và phát triển cơ sở hạ tầng. Năm 2022, chỉ một năm sau khi thành lập, thu ngân sách nhà nước của TP Thủ Đức đã chiếm 18% tổng thu ngân sách của cả TPHCM và xếp trên số thu của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương về dự toán thu ngân sách cả nước.

Năm 2024, dù chưa có thống kê đầy đủ, thế nhưng TP Thủ Đức vẫn sẽ đóng góp phần lớn vào ngân sách của TPHCM. Đáng chú ý, vào cuối năm 2024, TP Thủ Đức đón “luồng gió mới” từ việc vận hành tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM, có lộ trình Bến Thành - Suối Tiên. “Siêu dự án” của thành phố được phê duyệt lần đầu tiên vào năm 2007, khởi công vào năm 2008 và người dân thành phố trải qua hơn thập kỷ chờ đợi, đã đến ngày vận hành thương mại chính thức.

Đến nay Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành và TPHCM về vận dụng triển khai Nghị quyết 98 trên nhiều lĩnh vực. Ở cấp độ địa phương, Thành ủy, HĐND và UBND TPHCM đã ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch, với mục tiêu cao nhất là triển khai nhanh các cơ chế vào cuộc sống, tháo gỡ các điểm nghẽn và khơi thông nguồn lực để phát triển. Một trong các kết quả điển hình ở lĩnh vực quản lý đầu tư, TPHCM đã bố trí vốn đầu tư công được gần 3.800 tỷ đồng hỗ trợ giảm nghèo và giải quyết việc làm; thông qua danh mục 7 vị trí phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng và ban hành danh mục gần 50 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, BOT trên nhiều lĩnh vực.

Đánh giá về các kết quả vận dụng triển khai Nghị quyết 98 đi vào cuộc sống của TPHCM, TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của TPHCM nhấn mạnh, với lợi thế bởi các cơ chế chính sách đặc thù Nghị quyết này và các Nghị quyết 31 và Nghị quyết 24 của Trung ương, TPHCM là địa phương có điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để chuyển mình sang giai đoạn phát triển mới nhanh, mạnh và bền vững. Riêng giai đoạn 2026-2035, ông Lịch nhận định, là giai đoạn có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đồng thời là giai đoạn để TPHCM thể hiện cao nhất khát vọng vươn tầm, bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc.

Xác lập mục tiêu, kế hoạch cùng lộ trình, giải pháp phù hợp

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Phát - Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây đã có phát biểu chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Theo đó, Tổng Bí thư đã đưa ra những chỉ dẫn quan trọng về định hướng xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới. Đây là cơ sở để các địa phương, trong đó có TPHCM nghiên cứu, xác định về đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tự định vị vai trò “đầu tàu” kinh tế - xã hội của mình. Từ đó, xác lập mục tiêu, kế hoạch, cùng với lộ trình, giải pháp phù hợp để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hồ Chí Minh: Mở cửa bước vào kỷ nguyên phát triển mới