Diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/12, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ 3 trên địa bàn TP HCM là nơi để cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn xích lại gần nhau hơn.
Các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP HCM lần 3.
Có 294 đại biểu tham dự đại hội đại diện cho các dân tộc Hoa, Chăm, Khmer, Tày, Nùng, Thái… đang sinh sống trên địa bàn.
Theo ý kiến của các đại diện dân tộc thiểu số, hiện nay đa phần cuộc sống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho biết, hiện người dân tộc thiểu số trên địa bàn hầu hết trình độ thấp, không công ăn việc làm ổn định. Nhiều gia đình sinh sống ven kênh rạch gây nhiều hệ luỵ về an ninh trật tự. Vì thế, nhiệm vụ của chính quyền cũng như tổ chức MTTQ các cấp địa phương cần có biện pháp thiết thực để hỗ trợ, ổn định đời sống cho đồng bào.
Tương tự, ông Võ Thành Minh, Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận cũng kiến nghị việc chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số cần lồng ghép trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền TP HCM.
Theo ông Minh, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số thường bó gọn trong cộng đồng của mình. Các cá nhân dù có sản xuất các sản phẩm cũng không thể bán ra ngoài, khó phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, tạo điều kiện để giao lưu, phát triển và hoà đồng giữa các cộng đồng là điều hết sức cần thiết bởi đó là hướng đi thoát nghèo bền vững cho các gia đình thiểu số.
Đại biểu Arafath người dân tộc Chăm ngụ tại quận Bình Thạnh đề nghị thành phố cần có chính sách hỗ trợ cho đồng bào Chăm, nhất là việc cho phép đồng bào tham gia hoạt động hướng dẫn viên du lịch, thu hút khách tham quan theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, đại biểu này cũng kiến nghị cần miễn giảm học phí cho con em dân tộc, không chỉ là người Chăm mà với nhiều cộng đồng khác. Đặc biệt, lãnh đạo cần tạo điều kiện để các cộng đồng người dân tộc bảo vệ, duy trì và phát triển nét văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng đặc trưng của dân tộc mình.
Theo thống kê tới tháng 10/2019, TP HCM còn 1.323 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, chiếm 0,07 tổng số hộ nghèo trên địa bàn. Vừa qua thành phố đã hỗ trợ hơn 9 tỷ đồng thông qua 26.000 phần quà đến với các hộ dân thiểu số cũng như chăm sóc sức khoẻ y tế và mua thẻ bảo hiểm y tế cho đồng bào. Tuy nhiên, nhìn chung trong giai đoạn từ năm 2014 tới 2019, đời sống của người dân tộc thiểu số trên địa bàn TP HCM đã được cải thiện theo chiều hướng tích cực hơn. Nhiều cộng đồng người dân tộc thiểu số (như người Hoa) đã có cuộc sống rất tốt. Thống kê cho thấy có tới gần 17.000 doanh nghiệp của người dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Hoa), bằng 5% số doanh nghiệp tham gia hoạt động trên địa bàn.
Đại hội cũng thảo luận về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới đồng thời cử ra 41 đại biểu đại diện cho các dân tộc trên địa bàn tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2020 tại Hà Nội.