Là thành phố đông dân nhất nước, với đặc thù có đa dân tộc cùng sinh sống, do đó chính sách đối với dân tộc được coi là một trong những công tác được ưu tiên hàng đầu của chính quyền thành phố trong những năm gần đây.
Một khu vực kinh tế - thương mại sầm uất của bà con người Hoa ở TP HCM.
Đó là nhận định trong báo cáo đề dẫn tại Hội thảo với chủ đề “Cộng đồng dân tộc thiểu số ở TP HCM: 40 năm hội nhập và phát triển” do Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM vừa tổ chức tại TP HCM.
TS Trần Anh Tuấn, Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP cho biết, 40 năm là một chặng đường cụ thể để đánh giá đúng đắn, cũng như phản ánh một cách sâu hơn về đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số và những đóng góp quan trọng của họ cho sự phát triển của thành phố.
Theo ông Tuấn, hiện trên địa bàn thành phố có 51 dân tộc ít người sinh sống, với khoảng 437.000 người, chiếm 6,1% dân số thành phố. Trong đó, dân tộc Hoa, Khmer và dân tộc Chăm chiếm số đông và hình thành các cộng đồng, với nhiều lĩnh vực có thế mạnh. Ngoài ra, do quá trình di dân đến thành phố thì tại các vùng ngoại thành có một bộ phận nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số đến từ Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đến sinh sống và tham gia lao động phổ thông tại các KCN, KCX, các cơ sở sản xuất và lao động phi chính thức tại thành phố.
Với đặc thù như vậy, Đảng bộ và chính quyền TP HCM luôn quan tâm và thực hiện chính sách dân tộc phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Trong đó, nhiều chương trình thực hiện có hiệu quả, như: công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng phát triển đội ngũ cán bộ người dân tộc; các chương trình giảm hộ nghèo, tăng hộ khá;…
Trong những năm qua, TP HCM cũng đặc biệt quan tâm đến công tác phổ cập giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và nguồn nhân lực. Cho đến nay, mạng lưới trường lớp tại các quận/huyện được quy hoạch, phát triển đều khắp, tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc thiểu số vượt khó, vươn lên và đạt thành tích cao trong học tập. Đáng chú ý, có nhiều thanh niên dân tộc đã vượt khó để trở thành thạc sĩ, tiến sĩ, trong đó có không ít gia đình là dân tộc Hoa, Chăm, Khmer…
Bằng các chính sách dân tộc phù hợp, cho đến nay TP HCM tiếp tục nghiên cứu trong chương trình quy hoạch, phát triển thành phố đến năm 2020 để giảm bớt khoảng cách giàu nghèo giữa các cộng đồng người dân tộc trong đô thị. Bên cạnh đó, thành phố cũng tạo điều kiện để phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc ít người đóng góp vào sự phát triển và hội nhập của thành phố.
Quang cảnh Hội thảo.
Theo nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Ban Dân vận Thành ủy, cho thấy: việc thực hiện chính sách dân tộc của thành phố tùy theo điều kiện ở từng nơi để có sự vận dụng và hỗ trợ linh hoạt, phù hợp với môi trường và điều kiện sống của địa phương.
Bên cạnh việc phát huy thế mạnh tiềm năng của mỗi dân tộc cần chăm lo đời sống mọi mặt của đồng bào các dân tộc thiểu số; giải quyết thỏa đáng các nhu cầu về văn hóa, giáo dục, đặc biệt là những tâm tư, bức xúc, kiến nghị chính đáng; cảnh giác với những tác động lôi kéo, gây chia rẽ đồng bào các dân tộc thiểu số, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Tại Hội thảo, TS Phú Văn Hẳn, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học xã hội Vùng Nam Bộ nhìn nhận, .HCM đã có một số giải pháp điển hình phù hợp để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Chăm trên địa bàn. Qua đó, đã tạo điều kiện tốt nhất để đồng bào người Chăm trên địa bàn thành phố phát huy năng lực, trí tuệ để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
TS Hẳn cũng đề xuất Đảng bộ và chính quyền thành phố tập trung vào việc hỗ trợ học tập cho sinh viên, học sinh là người Chăm, đồng thời tăng cường hơn nữa những hoạt động giao lưu văn hóa để giới thiệu và phát huy các tiềm năng văn hóa của họ.
Không chỉ đối với dân tộc Chăm, theo nghiên cứu của tác giả Trần Hồng Liên, hiện nay đời sống tín ngưỡng của người Hoa ở TP HCM cũng đang ngày càng đa dạng hơn trước đây. Sự biến đổi này, một mặt có nguyên nhân từ sự cố gắng trong các chính sách của chính quyền, đã tạo điều kiện cho cư dân thành phố có được một cuộc sống tốt đẹp, văn minh hơn.
Cùng với những giải pháp trong hoạt động kinh tế ngày càng mang tính chất mở, đời sống cư dân thành phố, trong đó có người Hoa đã từng bước được nâng cao. Ngoài ra, đời sống, tín ngưỡng tôn giáo của cộng đồng người Hoa trong bối cảnh hội nhập cũng có sự giao thoa văn hóa, tiếp biến văn hóa giữa các nhóm người Hoa và giữa cộng đồng người Hoa với cộng đồng các dân tộc khác cùng sinh sống trên địa bàn.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận nhằm chỉ ra những vấn đề mới trong xây dựng chính sách dân tộc để giúp cho thành phố ngày càng hoàn thiện chính sách này, đồng thời tạo ra những chuyển biến tích cực, nâng cao đời sống mọi mặt của đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn trong quá trình hội nhập và phát triển.