Thông tin tại hội nghị báo cáo sơ bộ các đề án nhánh thuộc Đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM, giai đoạn 2021-2030, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết nhằm hướng đến sự chuyển đổi và phát triển 5 huyện ngoại thành là Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ mang tính bền vững, UBND thành phố đã phân công 4 sở và Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì nghiên cứu 5 đề án nhánh, bao gồm: Kinh tế đô thị; Hạ tầng đô thị; Bộ máy đô thị; Văn hóa đô thị và Con người đô thị.
Song song đó, 5 huyện ngoại thành cũng được phân công chủ trì tổ chức xây dựng tổng hợp 5 đề án về đầu tư xây dựng chuyển huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc thành phố), trên địa bàn từng huyện.
Ông Hoan cũng cho biết, đề án Đầu tư - xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030 đã chậm trễ 2 năm, nếu không khẩn trương hoàn thành để đưa vào quy hoạch chung của thành phố thì những nghiên cứu vừa qua sẽ không còn giá trị.
Ông Hoan cũng yêu cầu 5 huyện ngoại thành khoan bàn chuyện lên quận hay thành phố vì sẽ dẫn đến hệ luỵ về giá đất, tâm lý người dân khi phải thay đổi giấy tờ. Trước mắt, các địa phương cần nỗ lực lên đô thị loại 3, song chỉ tiêu hạ tầng xã hội, kỹ thuật phải phấn đấu theo tiêu chí đô thị loại 1. "Đường phải rộng, công viên phải lớn, trường học phải chuẩn quốc gia, y tế phải chuẩn quốc tế" - ông Hoan nói.
Tuy nhiên, đối chiếu các tiêu chí từ các quy định hiện hành khi chuyển đổi từ chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị, hầu hết 5 huyện đều vướng tiêu chí theo quy định là 100% xã, thị trấn phải là phường đối với chuyển thành đơn vị hành chính cấp quận, trong khi chỉ đạt tối thiểu là 70% phường trực thuộc đối với đơn vị hành chính cấp thành phố (thuộc thành phố).
Tiêu chí đối với đơn vị hành chính cấp thành phố thuộc thành phố có cho phép huyện giữ lại một số xã nông thôn (30% trong tổng số xã), vẫn được giữ nguyên và xem như là khu vực nông thôn ngoại thành của thành phố mới (thành phố thuộc thành phố), nên sẽ là phương án lựa chọn tối ưu của hầu hết các huyện.
TS Dư Phước Tân - Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu và phát triển TPHCM, cũng cho rằng đến 2030, 5 huyện ngoại thành đều không thể đạt điều kiện lên quận. Trong đó, vướng nhất là tiêu chí 100% xã, thị trấn phải đạt cấp phường. Còn theo tính toán của PGS.TS Nguyễn Anh Phong (Đại học Kinh tế - Luật), chủ nhiệm đề án nhánh phát triển kinh tế đô thị của các huyện, lượng vốn tư nhân thu hút hàng năm theo 3 nhóm dự án kinh tế, xã hội và môi trường mỗi địa phương từ nay đến 2030 lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, rất lớn.
TS Nguyễn Ngọc Hiếu (Đại học Việt Đức), chủ nhiệm đề án nhánh phát triển hạ tầng, cũng cho rằng chi phí để phát triển đô thị tại 5 huyện sẽ tương đối tốn kém vì nhiều khu vực có rủi ro ngập lụt cao. “Nhóm nghiên cứu tính toán riêng khu vực đã quy hoạch ở huyện Nhà Bè cần 50-74 triệu m3 đất tôn nền để đảm bảo chống ngập ở phía Nam. Số lượng này gấp gần 10 lần nhu cầu đất đắp nền đường còn thiếu cho 5 đoạn cao tốc phía Đông giai đoạn 2022-2023. Điều này cho thấy thách thức rất lớn” - ông Hiếu nói.