Trong chuyến làm việc với một số tỉnh miền Tây Nam Bộ, chiều ngày 23/4, Thủ tướng Chính Nguyễn Xuân Phúc đã thăm và làm việc tại tỉnh Trà Vinh.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Trà Vinh Trần Trí Dũng cho biết: Bên cạnh những thuận lợi, Trà Vinh đang gặp phải một số khó khăn, hạn chế như: Hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh chưa đồng bộ, nhất là lĩnh vực giao thông, cả 3 Quốc lộ gồm 53, 54, 60 đều đã xuống cấp nghiêm trọng; hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp còn yếu kém; Trà Vinh vẫn còn 22 xã đặc biệt khó khăn và 7 xã bãi ngang. Kinh tế chủ yếu của tỉnh vẫn là nông nghiệp đang chịu sự tác động của biến đổi khí hậu.
Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cũng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ: Tăng mức đầu tư, hỗ trợ thu hút vào Khu kinh tế Định An; điều chỉnh giá mua điện thuộc dự án nhà máy Điện gió Trà Vinh 1 (từ 7,8 lên 9,8 cents/Kwh); sớm cho chủ trương thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Trà Vinh; đưa huyện Duyên Hải vào danh sách huyện 30a để ưu tiên hưởng các chính sách của Chính phủ.
Đối với lĩnh vực đầu tư và hỗ trợ vốn, tỉnh đề nghị đầu tư dự án xây dựng, nâng cấp đê biển, kè biển tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải; kiến nghị xem xét mở rộng dự án nâng cấp đô thị, tiểu dự án TP Trà Vinh được vay vốn Ngân hàng Thế giới; đẩy nhanh tiến độ dự án cầu Đại Ngãi và tuyến Quốc lộ 60 đoạn Trà Vinh – Sóc Trăng.
Dịp này, UBND tỉnh Trà Vinh cũng trình Thủ tướng Chính phủ kết quả và những vướng mắc trong quá trình thực hiện 25 nội dung, nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã kết luận trong tháng 8/2016.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận những thành quả của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Trà Vinh trong những năm qua.
Ghi nhận những thành quả nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền nhân dân tỉnh Trà Vinh trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Dù Trà Vinh có xuất phát điểm quá thấp nhưng vẫn đạt được những thành tựu đột phá như hạ tầng giao thông, du lịch phát triển; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo; môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện; chất lượng giáo dục đào tạo có bước phát triển mạnh,...
Thủ tướng đề nghị Trà Vinh cần nhân rộng và phát triển các mô hình nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao, đầu tư, mở rộng cho vườn cây ăn trái, phát triển đàn bò,... theo những lợi thế của địa phương.
Để làm tốt việc này, Trà Vinh cần đầu tư mạnh vào các lĩnh vực con - cây giống, công nghệ, khoa học kĩ thuật; cần phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp sản xuất hướng tới giải quyết việc làm, công nghiệp năng lượng sạch điện gió, điện mặt trời; tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội để đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại; cần tạo đột phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư.
Vấn đề an sinh xã hội và môi trường cần đặc biệt lưu ý trong mối quan hệ phát triển hài hòa, bền vững.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trà Vinh cần làm tốt hơn nữa công tác dân tộc, tôn giáo, nhất là công tác xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số đưa Trà Vinh sớm thoát khỏi danh sách tỉnh nghèo.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu các bộ, ngành trung ương cần tích cực hỗ trợ Trà Vinh những vấn đề khó khăn, vướng mắc mà tỉnh đang gặp phải.
Bí thư Tỉnh uỷ Trà Vinh Trần Trí Dũng phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, Bí thư Tỉnh uỷ Trà Vinh Trần Trí Dũng cam kết với những hỗ trợ của Chính phủ và các dự án mà Thủ tướng đã chỉ đạo cho tỉnh nhà trong thời gian 10 năm tới, Trà Vinh sẽ chủ động được nguồn ngân sách…
Tối cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự lễ kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Trà Vinh (năm 1992 - 2017). 25 năm qua, kinh tế Trà Vinh liên tục đạt GRDP tăng trưởng bình quân trên 11%/năm.
Riêng năm 2016, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng GRDP của tỉnh vẫn đạt ở mức 10,26%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp từ 60,29% năm 1992 xuống còn 39,05%; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng từ 7,24% lên 25,63% và dịch vụ từ 17,02% lên 35,33% năm 2016. Kết cấu hạ tầng không ngừng được đầu tư xây dựng: 100% xã, phường, thị trấn có điện lưới quốc gia; trên 98% số hộ sử dụng điện; trên 85% hộ nông thôn, trên 90% hộ thành thị được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; năm 1992, toàn tỉnh chỉ có 22 km đường được láng nhựa, đến nay đã có trên 1.000 km đường nhựa, 1.017 km đường giao thông nông thôn được nhựa hóa và bê tông hóa.
Đặc biệt, một số công trình trọng điểm của Trung ương đầu tư trên địa bàn đã đưa vào sử dụng như: luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu; cầu Cổ Chiên; Trung tâm nhiệt điện Duyên Hải… đã góp phần phát triển kinh tế Trà Vinh trong những năm qua.
Bộ mặt đô thị và nông thôn không ngừng thay đổi. Đến nay, toàn tỉnh có 9 đơn vị hành chính gồm: 1 thành phố (đô thị loại II), 1 thị xã và 9 thị trấn được công nhận đô thị loại IV.
Đặc biệt với sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự đồng tình, ủng hộ tích cực của nhân dân; đến nay, đã có 23 xã được công nhận xã Nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 27,1%. Riêng huyện Tiểu Cần và Thị xã Duyên Hải đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017. Bộ mặt nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thay đổi, chất lượng cuộc sống từng bước được nâng chất…