Đó là vấn đề lớn được nhiều ĐB đặt ra khi Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), diễn ra chiều 25/5.
Theo ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội: Dự thảo luật quy định trách nhiệm của thanh niên trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình cũng như trách nhiệm của các chủ thể khác trong việc tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho thanh niên thực hiện trách nhiệm. Việc thiết kế các quy định theo định hướng như trên vừa tránh được sự trùng lắp, chồng chéo với các đạo luật khác vừa bảo đảm tính khả thi của điều luật; thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của thanh niên-một lực lượng xã hội to lớn, một trong những nhân tố quan trọng quyết định tương lai, vận mệnh dân tộc trở thành lực lượng đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Bình nhìn nhận, quy định của Dự thảo luật đã thể chế hoá được nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013, giúp từng cá nhân thanh niên thấy được vai trò đặc biệt quan trọng của mình, từ đó tạo động lực tự thân để phát triển, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sứ mệnh thiêng liêng của lực lượng thanh niên trong thời đại mới.
ĐB Nguyễn Minh Đức (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, nếu đã quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, thì rất cần có những chính sách trong hỗ trợ y tế, khen thưởng đối với thanh niên trong tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. “Như thời gian qua khi xảy ra đại dịch Covid-19 nhiều thanh niên đã tình nguyện tham gia vào nhiệm vụ, chung tay phòng chống dịch, họ đã có những hy sinh về quyền lợi, thân thể. Do đó cần chính sách hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi cho thanh niên”-ông Đức cho hay, đồng thời nhấn mạnh phát huy vai trò của thanh niên trong việc chống lại các thông tin xấu độc trên mạng xã hội vì thanh niên là lực lượng tham gia chính trên mạng xã hội.
Theo ĐB Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định): Khi xảy ra dịch bệnh trong thời gian qua, nhiều học sinh trên cả nước không thể đến trường, Chính phủ huy động nhiều lực lượng tham gia phòng chống dịch bệnh thì nhiều thanh niên là học sinh, sinh viên lại “ngồi tại chỗ”, chưa có hoạt động tích cực. Do đó việc quy định về trách nhiệm của thanh niên, phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong các tình huống cấp bách là cần thiết, thể hiện vai trò xung kích của thanh niên.
Còn ĐB Trương Phi Hùng (đoàn Long An) cho rằng, cần quy định trách nhiệm của thanh niên đối với Tổ quốc, gia đình, và bản thân. Việc có chính sách của Nhà nước đối với thanh niên sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thanh niên thực hiện sứ mệnh to lớn của mình.