Sau Tết, người nông dân miền Tây Nam bộ chưa kịp mừng khi giá một số loại trái cây xuất khẩu tăng, thì những ngày gần đây giá nhiều loại quả lại bất ngờ quay đầu, giảm sâu. Nhiều trái cây như cam, bưởi, dừa, mận... đang bước vào vụ thu hoạch nhưng giá giảm một nửa so với vài tuần trước, nông dân đứng ngồi không yên.
Dừa ngọt nhưng giá lại “nhạt”
Là loại cây phổ biến thứ 2 (sau cây lúa) ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), dừa được hàng chục nghìn hộ nông dân trồng với diện tích hàng trăm nghìn ha, chủ yếu ở Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang... Do là cây trồng phổ biến nên mỗi khi giá dừa lên hay xuống đều ảnh hưởng nhiều tới thu nhập, cuộc sống của người dân.
Theo tìm hiểu của PV, dừa ở vùng ĐBSCL chủ yếu được tiêu thụ qua 2 thị trường chính là xuất khẩu sang Trung Quốc (dừa khô) và ở TPHCM (chủ yếu dừa tươi). Giá dừa khô xuất khẩu thời gian qua đều ở mức thấp. Sau Tết giá dừa tươi tiêu thụ trong nước cũng giảm, chỉ khoảng từ 1.000 tới 3.000 đồng mỗi trái.
Chị Nguyễn Thị Thu - chủ một vườn dừa ở xã Lương Quới (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) cho biết, gia đình chị có 2 ha dừa hơn 10 năm tuổi. “Mỗi tháng nhà tôi đều chặt khoảng 1.500 trái dừa. Những năm trước, sau Tết dừa được giá lắm, thường từ 6 tới 8 nghìn đồng/trái. Nhưng hiện giờ chỉ còn 3 nghìn đồng thôi. Nếu trừ tiền công hái, đem ra đường bán thì giá dừa chỉ còn hơn 2 nghìn đồng/trái” - chị Thu cho biết.
Với đặc thù thu hoạch khó khăn, tiền công vận chuyển cao nên giá dừa có sự chênh lệch nhiều giữa những vườn nằm gần đường lộ và ở sâu trong xóm ấp. Nhiều hộ dân tới thời điểm thu hoạch dừa nhưng giá thấp nên đành chặt và tự bảo quản, chờ dừa lên giá mới bắt đầu bán. Tình cảnh tương tự cũng xảy ra với những hộ dân trồng dừa ở các tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long hay Tiền Giang.
Ông Huỳnh Quang Đức - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho biết, thực tế giá dừa khô giảm mạnh thời gian qua có hai nguyên nhân chính. Đầu tiên là do hạn chế kiểm soát dịch Covid-19 khiến thị trường Trung Quốc không mua nhiều như trước. Ngoài ra, cũng do ảnh hưởng của dịch nên các nước có diện tích dừa nhiều như Ấn Độ, Indonesia… cũng thừa hàng, hạ giá bán nên thị trường giảm giá.
Ở Bến Tre có tới 80% số hộ dân có trồng dừa. Vì vậy, giá dừa lên hay xuống sẽ ảnh hưởng nhiều tới thu nhập, đời sống người dân. Hiện giá dừa đang dao động ở mức từ 30.000 đồng tới 40.000 đồng/chục (12 trái), thấp bằng một nửa so với thời gian này năm ngoái.
Có vườn lỗ cả trăm triệu đồng
Không chỉ có dừa, từ sau Tết, hàng trăm hộ dân trồng cam ở ĐBSCL cũng như ngồi trên lửa vì giá xuống chỉ 2 nghìn đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Chánh - chủ một vườn cam hơn 1 ha ở xã An Thái Trung (huyện Cái Bè, Tiền Giang) cho biết, đây là cây trồng chủ lực của địa phương. Thậm chí cam Cái Bè còn là thương hiệu lớn, nổi tiếng.
“Giờ đang vào mùa thu hoạch cam thế nhưng gọi điện từ tuần trước mà thương lái vẫn chưa vào hái. Họ bảo giờ hàng đang chậm, đợi ít bữa giá lên mới hái. Thế nhưng, nếu cứ đợi thế này thì cam chín, rụng và hỏng hết” - ông Chánh nói.
Được coi là “vương quốc cam” gần chục năm trở lại đây, hiện nhiều nông dân ở Vĩnh Long đang lo lỗ hàng trăm triệu đồng vì giá cam giảm sâu so với những năm trước. Ông Nguyễn Văn Bảy - nông dân trồng cam ở huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) cho rằng do quy trình trồng cam hiện nay phụ thuộc nhiều vào giống, phân bón, thuốc bảo vệ… nên để nông dân có thu nhập, giá phải từ 4.000 tới 6.000 đồng/kg.
“Những năm trước, sau Tết giá cam tại ruộng đều dao động từ 6.000 tới 10.000 đồng/kg tùy theo chất lượng. Với mức giá đó thì nông dân sống được, có thu nhập hơn một số cây khác. Nhưng năm nay mới vào đầu vụ mà giá rất thấp, chỉ từ 2.000 đồng/kg. Đây là mức giá mà bất cứ nhà vườn nào trồng cũng thua lỗ. Như gia đình tôi cũng đầu tư hơn một trăm triệu đồng để làm luống đất, giống, thuốc, công chăm sóc, hái... Với giá thế này thì lỗ nặng rồi” - ông Bảy chia sẻ.
Khoảng một tuần trở lại đây giá cam ở Vĩnh Long và một số địa phương khác ở miền Tây Nam bộ xuống thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu thị trường thấp trong khi sản lượng tăng cao.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long, hiện tỉnh có tới 17.000 ha trồng cam, tăng 3.000 ha so với 3 năm trước. Cam ở Vĩnh Long chủ yếu trồng tại Trà Ôn, Tam Bình hay Vũng Liêm. Vài năm trước, giá cam ở mức cao khoảng 10.000 đồng/kg, nông dân có lãi khoảng hơn 100 triệu đồng/ha. Do vậy nhiều hộ đã chuyển sang trồng cam trong khi thị trường tiêu thụ không tăng, dẫn đến cung vượt cầu.
Cũng theo ông Liêm, hiện nay tỉnh Vĩnh Long đang phối hợp tìm giải pháp giải cứu cam cho nông dân bằng cách liên kết với các siêu thị, chuỗi siêu thị tiện ích hay vận động ban, ngành, đoàn thể mua cam giúp nông dân. Thế nhưng, đó cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Ước tính ở Vĩnh Long hiện có khoảng 80.000 tấn cam tới thời điểm thu hoạch và cần được tiêu thụ.
Ngoài dừa, cam, một số loại trái cây khác cũng có chiều hướng giảm giá sau một thời gian tăng cao như sầu riêng (giảm khoảng 40% so với thời điểm cao nhất), thanh long, ổi, xoài...cũng giảm từ 20-30%. Tuy nhiên, do những cây trồng trên đều chưa bước vào vụ thu hoạch nên giá cả lên xuống chưa ảnh hưởng nhiều tới thu nhập của người dân.