Trái Đất đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu, nhưng ở nhiều khu vực nó cũng được phủ xanh nhiều hơn. Theo một nghiên cứu mới, sự phủ xanh đang tăng này là nhờ vào Trung Quốc và Ấn Độ.
Ảnh vệ tinh của NASA cho thấy độ phủ xanh của Trái Đất đang gia tăng Nguồn: NASA.
Tốc độ phủ xanh tăng
Bản nghiên cứu mà Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mới công bố, dựa trên hình ảnh vệ tinh và được đăng tải trên tạp chí Nature Sustainability, đã chỉ ra rằng Ấn Độ và Trung Quốc - 2 nước đông dân nhất thế giới - đã giúp làm tăng lượng phủ xanh trên Trái Đất.
Kể từ lúc thiên niên kỷ mới bắt đầu, khu vực được phủ xanh của hành tinh đã tăng khoảng 5%, tương đương 2 triệu dặm vuông. Đó là một khu vực có diện tích tương đương tổng lượng rừng nhiệt đới của Amazon – NASA cho hay. Nhưng các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, việc phủ xanh này không giúp làm giảm nạn phá rừng cùng ảnh hưởng của nó đối với các hệ sinh thái trên thế giới.
Theo nghiên cứu mới, khoảng 1/3 lượng diện tích được phủ xanh mới là nhờ đóng góp của Ấn Độ và Trung Quốc – nhờ vào hàng loạt dự án trồng cây và nông nghiệp.
Trong khoảng năm 2000 – 2017, một bộ cảm biến của NASA có tên viết tắt là MODIS đã thu được những hình ảnh độ phân giải cao về bề mặt Trái Đất từ 2 vệ tinh là Terra và Aqua. Sử dụng dữ liệu mà MODIS thu được, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng Trung Quốc là nơi đóng góp tới ¼ tổng diện tích các khu vực phủ xanh mới, dù sở hữu chỉ khoảng 6,6% tổng khu vực trồng trọt của thế giới. Rừng chiếm tới 42% trong lượng tăng đó, trong khi đất nông nghiệp chiếm 32%.
Diện tích rừng ở Trung Quốc tăng là kết quả của các chương trình bảo vệ và mở rộng rừng - theo NASA - nhằm chống lại ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí và sạt lở đất.
Trong khi đó, Ấn Độ đóng góp 6,8% tổng lượng khu vực được phủ xanh tăng thêm của thế giới, trong đó 82% là đất nông nghiệp và 4,4% là đất rừng.
Cả hai quốc gia này đã đẩy mạnh sản xuất lương thực, nhờ vào nhiều chương trình trồng trọt mới, trong đó các cánh đồng của họ được trồng lại và có thể thu hoạch nhiều lần trong năm. “Sản lượng lúa, rau màu, hoa quả và nhiều loại cây trồng khác đã tăng 35-40% kể từ năm 2000 nhằm nuôi sống lượng dân số lớn của họ” - NASA cho hay.
Biến đổi khí hậu vẫn khó lường
Rama Nemani - đồng tác giả của bản nghiên cứu và là nhà khoa học thuộc Trung tâm Ames của NASA cho hay: “Ban đầu, chúng tôi cứ nghĩ rằng việc phủ xanh tăng cao là nhờ khí hậu ấm và ẩm ướt hơn… Nhưng với dữ liệu của MODIS, chúng tôi mới hiểu rằng con người cũng có đóng góp nhất định”.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, hiện tượng phủ xanh tăng cũng không ngăn được những ảnh hưởng tiêu cực đối với hệ sinh thái, môi trường ở nhiều nơi. “Ngay cả việc phủ xanh tăng cũng không ngăn chặn được tổn thất từ việc mất đi những vùng phủ xanh trước đây” - nghiên cứu của NASA nêu rõ, chỉ ra các khu vực rừng bị phá hủy hoàn toàn ở các nước Cộng hòa Congo, Brazil và Indonesia.
Thế nhưng, giới khoa học vẫn tỏ ra lạc quan về kết quả nghiên cứu mới. “Một khi con người nhận ra vấn đề, họ sẽ sửa chữa nó” - ông Nemani nói - “Trong những năm 1970, 1980 ở Ấn Độ và Trung Quốc, tình trạng khu vực xanh biến mất rất nghiêm trọng. Nhưng đến những năm 1990, người ta đã nhận ra vấn đề. Và ngày nay, mọi thứ đã được cải thiện”.
Thomas Pugh - Giáo sư Địa chất và Khoa học môi trường thuộc ĐH Birmingham -nói rằng, Báo cáo của NASA giúp mở rộng sự hiểu biết của các nhà khoa học về nguyên nhân đằng sau việc phủ xanh toàn cầu. Trước đây, sự gia tăng thảm thực vật trong hai thập kỷ qua được cho là do mức độ CO2 trong khí quyển cao hơn.
Phủ xanh là tín hiệu cho thấy sinh quyển phản ứng ra sao với các hoạt động của con người, dù là thông qua biến đổi khí hậu hay cách mà chúng ta sử dụng đất đai. Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng cảnh báo rằng, việc tăng phủ xanh Trái Đất như hiện nay cũng không có nghĩa rằng chúng ta đã ngăn chặn được ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
“Ở một số hệ sinh thái, như các cánh rừng, việc phủ xanh chỉ có nghĩa là tăng khả năng hấp thụ carbon từ bầu khí quyển, nhưng nó không có nghĩa rằng Trái Đất sẽ bớt nóng hơn” – ông Pugh phân tích.