Những nghiên cứu gần đây cho thấy nhiệt độ Trái Đất có thể không tránh khỏi ngưỡng tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong vòng 5 năm tới, và có nguy cơ còn tăng hơn nữa.
Theo nghiên cứu được Liên hợp quốc công bố ngày 27/5, có 40% khả năng nhiệt độ Trái Đất tạm thời tăng ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp trong vòng 5 năm tới, và có nguy cơ tăng hơn nữa. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc đã nhấn mạnh điều đó và cho rằng, dù đang căng thẳng bởi dịch Covid-19 thì nhân loại cũng không nên quên rằng Trái Đất vẫn tiếp tục nóng lên.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy nhiệt độ Trái Đất đang “tiến gần và có thể không tránh khỏi ngưỡng tăng 1,5 độ C”. Ông Taalas nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu là một lời cảnh tỉnh nữa để kêu gọi thế giới giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Theo dự báo, từ năm 2021 - 2025, nhiệt độ Trái Đất có thể tăng trên dưới 1 độ C. Thậm chí, có tới 90% khả năng xảy ra tình huống rằng ít nhất một trong số những năm này sẽ trở thành năm nóng nhất từ trước đến nay, vượt qua mức nhiệt ghi nhận năm 2016.
Theo báo cáo của WMO đưa ra hồi tháng Tư, năm 2020 là 1 trong 3 năm nóng nhất từng được ghi nhận khi nhiệt độ trung bình của Trái Đất tăng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Sử dụng dữ liệu về nhiệt độ từ nhiều nguồn, trong đó có Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), WMO cảnh báo hầu hết các khu vực trên thế giới sẽ trở nên ấm hơn trong 5 năm tới. Khi nhiệt độ tăng lên, tốc độ bay hơi cũng tăng và không khí ấm hơn có thể khiến độ ẩm tăng. WMO dự báo khả năng gia tăng các cơn bão nhiệt đới ở Đại Tây Dương, vùng Sahel của châu Phi và Australia sẽ ẩm ướt hơn, trong khi khu vực Tây Nam của Bắc Mỹ có thể sẽ khô hơn cũng từ việc nhiệt độ Trái Đất nóng lên.
Russell Vose, một quan chức thuộc NOAA cho rằng có thể thấy rõ Trái Đất đang nóng lên, không chỉ thể hiện qua nhiệt độ mà qua cả những thay đổi trong khí quyển, trong đại dương, trong các tảng băng và sinh quyển.
Một hiện tượng thấy rõ nhất ngay từ đầu mùa hè năm 2021, đó chính là dịch bệnh trên cây trồng đã đe dọa an ninh lương thực tại châu Phi. Mới đây, tại thành phố Abidjan (Côte d’Ivoire), các nhà nghiên cứu châu Phi đã cảnh báo về sự gia tăng dịch bệnh trên cây nông nghiệp đang đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực của nửa tỷ người trên lục địa này.
Trong khuôn khổ chương trình Dịch tễ học Virus Tây Phi (WAVE), các nhà nghiên cứu đến từ 10 quốc gia ở Tây và Trung Phi cho biết sự xuất hiện một loại virus trên cây mía ở ở Côte d’Ivoire - một bệnh lý mới chỉ tồn tại ở châu Á nhưng chưa có ở nơi khác, và một bệnh trên cây chuối ở châu Phi.
Tiến sĩ Justin Pita - giám đốc điều hành Chương trình WAVE (chương trình an ninh lương thực được tài trợ bởi Quỹ Bill và Melinda Gates), cảnh báo côn trùng di cư, bệnh thực vật và các loài gây hại khác đe dọa nghiêm trọng đến mùa màng và thu nhập của nông dân ở Tây và Trung Phi.
Theo đó, an ninh lương thực bị đe dọa, đa dạng sinh học và môi trường khu vực bị hủy hoại dưới tác động tổng hợp và sự gây hại của châu chấu, sâu bọ rơi, ruồi đục quả, bệnh hại chuối và sắn... đang lan rộng khắp Tây và Trung Phi, gây thiệt hại nặng nề cho người nông dân.
Các nhà nghiên cứu đã thực sự lo lắng về bệnh khảm và rầy nâu trên cây sắn, cây lương thực quan trọng của 500 triệu người châu Phi. Hai dịch bệnh này đã gây thiệt hại khoảng 1tỷ USD mỗi năm ở châu Phi cận Sahara. Tiến sĩ Pita nhắc lại “chuyện cũ” như một cảnh báo: Một trận dịch bệnh trên cây sắn ở Uganda vào những năm 90 của thế kỷ trước đã khiến 3.000 người chết đói.