Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Chương trình “Vui tết Trung thu 2024” từ ngày 6 đến 15/9.
Chương trình “Vui tết Trung thu 2024” là hoạt động thường niên vào dịp Tết Trung thu, phục vụ các cháu thiếu nhi, nhân dân Thủ đô và du khách bốn phương với nhiều hoạt động phong phú như: trưng bày đồ chơi Trung thu xưa, trải nghiệm làm các loại đồ chơi Trung thu truyền thống, biểu diễn múa lân sư...
Tết Trung thu là một trong bốn lễ tết lớn của người Việt, diễn ra vào giữa mùa thu, ngày rằm tháng Tám âm lịch.
Từ xa xưa, Tết Trung thu đã là một trong những ngày hội lớn nhất trong năm. Đây là thời điểm khí trời mát mẻ, mùa màng đang chờ thu hoạch, triều đình và nhân dân ta mở hội cầu mùa, ca hát, vui chơi.
Ngay từ thời Lý, Tết Trung thu đã được triều đình tổ chức trong ba ngày với nghi lễ cúng tổ tiên cùng hội đua thuyền, diễn rối nước, săn bắn... Khắp nơi trong cung điện đều được trang trí đèn lồng gấm vóc rực rỡ. Ngoài dân gian có phong tục ban ngày cúng gia tiên, buổi tối treo đèn bày cỗ thưởng trăng. Phong tục ấy đã được lưu truyền qua bao đời và trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Tết Trung thu đã được lưu truyền qua bao đời và trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc. Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức Chương trình "Vui tết Trung thu 2024" tại Khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (quận Ba Đình, Hà Nội).
Bắt đầu từ ngày 6/9, tại Hoàng Thành Thăng Long trưng bày 2 chủ đề: Tết Trung thu truyền thống và Cung đình.
Không gian trưng bày Trung thu truyền thống gồm các gian hàng đồ chơi Trung thu xưa như: trống lân, trống ếch, trống bỏi, đầu sư tử, mặt nạ giấy bồi, đồ chơi sắt tây, tiến sĩ giấy, ông đánh gậy trông trăng, đèn kéo quân, đèn ông sư, đèn sao, đèn thỏ, tôm cá,...
Trong đó hấp dẫn nhất là các mẫu đèn cổ đã bị thất truyền nay được nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách và nghệ nhân Nguyễn Trọng Bình phục dựng lại như: đèn cua sống, cua chín; cá chép trông trăng, cá chép hóa rồng; đèn rồng, kỳ lân, phượng, thỏ, bướm, ong, heo, ngựa; đèn quả đào, quả lựu, quả phật thủ từ những nguyên liệu truyền thống giấy dó, giấy nhiễu, giấy bóng kính, nan tre, mây, hồ dán...
Bên cạnh đó, bước đầu tiến hành trưng bày một số Pano giới thiệu tư liệu và hình ảnh diễn giải về Tết Trung thu trong cung đình thời Lý với điểm nhấn về nghệ thuật biểu diễn rối nước mùa thu.
Vào các ngày 14 và 15/9 sẽ có biểu diễn nghệ thuật múa sư tử trong khung giờ 10h, 11h, 15h30 và 16h30.
Đặc biệt, các hoạt động trải nghiệm làm đồ chơi Trung thu, bánh Trung thu sẽ diễn ra vào các ngày 14 và 15/9 vào khung giờ từ 8h30 đến 11h30 và từ 14h đến 17h.