Sáng 28/2, Bộ Tài chính họp báo chuyên đề về thị trường trái phiếu năm 2016 và định hướng phát triển các năm tiếp theo.
Báo cáo từ Vụ Tài chính ngân hàng cho biết, trái phiếu Chính phủ đã phát hành kỷ lục trong năm 2016 đạt 281.750 tỉ đồng, tương đương 98,3% kế hoạch phát hành năm với 91% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên đồng thời lần đầu tiên phát hành thành công trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm cho nhà đầu tư nước ngoài.
Cơ sở nhà đầu tư đã có sự thay đổi tích cực theo hướng tăng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các nhà đầu tư dài hạn như Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm tiền gửi, doanh nghiệp bảo hiểm (tăng từ mức 23% năm 2015 lên mức 44,6% năm 2016), giảm tỷ lệ nắm giữ trái phiếu của các Ngân hàng thương mại (từ mức 77% năm 2015 xuống còn 55,4% năm 2016).
Vừa qua Kiểm toán Nhà nước vừa công bố báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015 của Bảo hiểm xã hội. Theo đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đầu tư cho Ngân sách nhà nước vay lại tới 324.000 tỷ đồng, chiếm 74,46% tổng quỹ. Đây là kênh đầu tư lớn nhất của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Đầu tư vào trái phiếu Chính phủ tính đến cuối năm 2015 đạt 45.500 tỷ đồng, chiếm 10,46% tổng quỹ; cho các ngân hàng vay lại 59.629 tỷ đồng, chiếm 13,7% tổng quỹ; đầu tư 6.000 tỷ đồng vào Thuỷ điện Lai Châu, chiếm 1,38% tổng quỹ.
Cũng theo Bộ Tài chính, năm vừa qua, kênh phát hành trái phiếu Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu huy động vốn của các ngân hàng chính sách để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước và chính quyền địa phương trong việc thực hiện các dự án đầu tư quan trọng, cấp bách thuộc nhiệm vụ chi của địa phương. Đối với trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, năm 2016 khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 129.636 tỉ đồng, tăng 203,1% so với năm 2015.