Trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng gần 30 nhà máy, cơ sở chế biến gỗ dăm trái phép. Việc các cơ sở chế biến không phép này hoạt động ồ ạt không chỉ phá vỡ quy hoạch, đe dọa an ninh rừng mà còn gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, do các chủ nhà máy tranh mua, tranh bán.
Cơ sở băm dăm chui của ông Lê Khắc Bảy, thôn Xuân Thượng, xã Thượng Ninh, huyện Như Xuân.
Vô tư mở… nhà máy
Theo điều tra của phóng viên, hầu hết các cơ sở này đều xây dựng tự phát, không phép tại các huyện miền núi như: Như Thanh, Như Xuân, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy… Do các nhà máy này phải cạnh tranh nguồn nguyên liệu đầu vào nên tiện đâu mở đó khiến việc kiểm tra, kiểm soát vô cùng khó khăn. Chỉ tính riêng tại huyện Như Xuân có tới 4 hộ xây dựng xưởng chế biến gỗ dăm trái phép trên đất nông, lâm nghiệp, nằm trong hành lang đường bộ...
Nguyên nhân chính dẫn đến việc bùng phát xây dựng các nhà máy, xưởng chế biến lâm sản trái phép là do tại Khu Kinh tế Nghi Sơn có một số công ty đứng ra thu mua gỗ dăm (cây keo đã băm chặt) để xuất sang nước ngoài.
Chuyện cá nhân “chủ động” mở xưởng chế biến gỗ keo có thể kể đến như trường hợp của ông Lê Khắc Bảy thôn Sông Xanh, xã Thượng Ninh (Như Xuân). Vốn ông Bảy được ông Quốc Kỳ, thôn Xuân Thượng, chuyển nhượng cho 700m2 đất lâm nghiệp nhưng không được chính quyền xác nhận.
Thấy việc chế biến gỗ thuận tiện, hộ ông Bảy đã và đang xây dựng xưởng chế biến lâm sản khi chưa được cơ quan chức năng cấp phép, vi phạm hành lang đường Hồ Chí Minh. Tại hiện trường, mặt bằng xưởng sản xuất được đổ đất, đá san lấp xong, nhà bảo vệ, trạm điện đã được xây dựng hoàn thiện.
Do xây dựng trái phép, hộ ông Bảy đã bị chính quyền địa phương lập biên bản, đình chỉ thi công. Tượng tự, tại thôn Mỹ Ré, xã Yên Lễ, hộ ông Ngô Đức Huy cũng đã và đang xây dựng xưởng chế biến lâm sản trái phép. Việc xây dựng này không có giấy phép kinh doanh, không được chấp thuận địa điểm đầu tư, lấn chiếm hành lang đường Hồ Chí Minh tại Km 599+800, gây bức xúc trong nhân dân.
Tương tự, trên địa bàn xã Xuân Bình (Như Xuân) một đơn vị phía Nghệ An đã tự ý san lấp, xây dựng 1 hệ thống dây chuyền, máy móc, thiết bị, bàn cân phục vụ cho việc băm dăm rất quy mô. Thêm vào đó là nhà ở, công trình phụ vi phạm hành lang giao thông. Việc vi phạm của đơn vị này diễn ra trong một thời gian dài, nhưng chính quyền sở tại lại không hề hay biết. Mãi đến khi có thông tin từ người dân thì các cấp chính quyền mới kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ xây dựng, buộc tháo dỡ, di dời. Tuy nhiên, việc xử lý không dứt điểm, một thời gian sau thì cơ sở này lại xây dựng, hoàn thiện khiến dư luận bức xúc.
Không chỉ có Như Xuân mà tại huyện Thường Xuân, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Như Thanh... cũng có từ 5-7 cơ sở chế biến dăm gỗ núp bóng hộ gia đình. Các loại rừng trồng nhất là keo đều bị bán non do nguồn nguyên liệu khan hiếm, người dân cần tiền chi tiêu. Giá trị của các cây lâm sản giảm sút, rừng ngày một bị tàn phá. Đó là chưa kể việc cạnh tranh không lành mạnh từ các nhà máy dăm gỗ khiến tình hình an ninh, trật tự bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tại buổi làm việc với báo chí, ông Lê Sỹ Nghiêm, Chủ tịch UBND huyện Như Xuân thừa nhận: “Thời gian qua trên địa bàn huyện có tình trạng xây dựng xưởng chế biến gỗ dăm không phép. Khi phát hiện sự việc, huyện cũng đã chỉ đạo các phòng liên quan phối hợp với các địa phương kiểm tra, lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính và buộc tháo dỡ công trình. Đến thời điểm này các đơn vị chưa chấp hành, chúng tôi sẽ có phương án cưỡng chế trong thời gian tới”, ông Nghiêm cho biết thêm.
Sẽ xử lý nghiêm?
Được biết, mới đây UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 797-UBND/NN giao kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất các cơ sở băm gỗ dăm trên địa bàn tỉnh.
Để hạn chế và tiến tới xóa bỏ toàn bộ các cơ sở băm gỗ dăm, nâng cao giá trị sản phẩm từ gỗ, hạn chế ảnh hưởng môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ông Nguyễn Đức Quyền chỉ đạo: Giao cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất của các cơ sở băm dăm gỗ trên địa bàn tỉnh, căn cứ các quy định của pháp luật, giấy phép đầu tư, thủ tục đất đai, môi trường… để xử lý nghiêm các cơ sở có sai phạm theo quy định của pháp luật.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng kinh tế đối ngoại Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Sở đang thành lập các đoàn kiểm tra, rà soát hoạt động của các cơ sở chế biễn gỗ dăm trên cả tỉnh xem có cấp phép hay hoạt động tự phát. Sau đó mới có hướng báo cáo để tỉnh xử lý.”
Trước vấn đề này, ông Lê Văn Đốc, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa cũng chia sẻ: “Những năm gần đây sở đã tham mưu cho UBND tỉnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến lâm sản, nhưng hạn chế tối đa các cơ sở chỉ đầu tư dây chuyền dành riêng cho việc băm dăm gỗ vì nguyên liệu ngày càng khan hiếm, những cơ sở này sẽ tận dụng tối đa các mối quan hệ, thuyết phục người dân bán cây keo non, kiểu như thu hoạch lúa non, làm giảm năng suất và thu nhập của người dân, hiệu quả trồng rừng sẽ rất thấp”. – ông Đốc nói.