Pháp lý không rõ ràng, siết thu thuế và đặc biệt là ảnh hưởng dịch bệnh đang tạo nên làn sóng tháo chạy khỏi condotel.
Trên trang giao dịch bất động sản tại Đà Nẵng, condotel ở các dự án trên tuyến đường Lý Thường Kiệt, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp... đang rao cắt lỗ phổ biến từ 200 - 300 triệu đồng. Cá biệt có một số căn hộ được rao bán cắt lỗ 400 - 700 triệu đồng… Tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra tại Nha Trang, Vũng Tàu, Phú Quốc.
Đặc biệt, tại Nha Trang - Khánh Hòa nơi từng được xem là thủ phủ condotel đang rao bán cắt lỗ phổ biến từ 100 - 300 triệu đồng/căn. Thậm chí, có những căn condotel trên đường Lê Thánh Tôn rao bán cắt lỗ lên đến 500 - 600 triệu đồng.
“Hơn một năm xảy ra dịch Covid-19, đến thời điểm này, tôi không thể gồng gánh nổi nữa vì lãi suất ngân hàng tháng nào cũng phải đóng” , anh Nghĩa, một nhà đầu tư condotel nói.
Trải qua cả năm 2020, do vướng pháp lý và là dịch Covid-19, lượng dự án bất động sản nghỉ dưỡng được chào bán ra thị trường rất ít. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, phải đến quý 1/2021, thị trường này mới bật tăng trở lại với 884 condotel được chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nguồn cung tăng nhưng thị trường lại gặp khó về đầu ra bởi dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2021 và kéo dài cho đến nay.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), chia sẻ, tình trạng thị trường condotel gặp khó xuất phát từ một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng, khiến hầu hết các cơ sở du lịch đều hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa.
Ngoài ra, chính sách của chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng nói chung liên quan đến loại hình căn hộ du lịch chưa có thay đổi gì đáng kể. Đặc biệt là vấn đề về pháp lý khiến nhiều dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các địa phương đang gặp phải vướng mắc nên chưa thể khởi động đầu tư xây dựng.
“Chính những hạn chế như trên đã khiến bất động sản du lịch nói chung và condotel nói riêng chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào bất động sản du lịch”, ông Đính nói.
Đồng quan điểm, ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho biết, trước khi có làn sóng thứ tư của dịch Covid-19 ở Việt Nam, nhiều resort gần như không còn phòng trống trong dịp lễ. Tuy nhiên, sự tái bùng phát dịch lần thứ tư ngay khi khởi động mùa cao điểm du lịch hè đã giáng đòn mạnh vào ngành nghỉ dưỡng vốn đã gặp nhiều khó khăn suốt năm 2020, khiến đà hồi phục của thị trường trong mùa cao điểm du lịch cuối tháng 4 đầu tháng 5 bị chặn đứng.