Trăn trở ươm mầm tài năng

Minh Quân 16/08/2017 08:05

Sau 9 ngày diễn ra sôi nổi, Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017 vừa chính thức bế mạc bằng lễ trao giải, tại Thanh Hóa. Theo đó, BTC đã trao 23 HCV, 20 HCB và 2 giải diễn viên trẻ triển vọng là Dương Thị Mai Linh (Nhà hát Chèo Nam Định), Nguyễn Đoàn Thiên Sinh (Nhà hát Chèo Ninh Bình).

Các tài năng trẻ nhận giải.

Kỳ vọng tài năng trẻ

Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017 có sự tham gia của 93 tài năng trẻ của 19 đơn vị nghệ thuật sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp. Đây là những diễn viên hoạt động ở các đơn vị nghệ thuật Tuồng, Chèo chuyên nghiệp công lập và các đơn vị hoạt động theo mô hình xã hội hóa. Các thí sinh tham gia dự thi sẽ thể hiện 88 trích đoạn, trong đó có 52 trích đoạn Chèo và 36 trích đoạn Tuồng.

Trong đó có nhiều trích đoạn nổi tiếng như: Súy Vân giả dại, Thị Màu lên chùa, Đào Tam Xuân loạn trào, Đào Tam Xuân đề cờ, Hoàng Phi Hổ lăn trướng, màn III Lưu Bình Dương Lễ, Hồ Nguyệt Cô hóa cáo... Theo đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật, thông qua cuộc thi các thí sinh đã phần nào thể hiện được tài năng, khẳng định bản sắc văn hóa và giá trị của nghệ thuật tuồng, chèo.

Nhiều nghệ sĩ trẻ đã kết hợp và nắm bắt được ngôn ngữ biểu diễn đặc thù của sân khấu tuồng, chèo, khắc họa được nhiều tính cách nhân vật, thể hiện được chiều sâu tâm lý ở các góc độ khác nhau. Nhiều diễn viên trẻ đã có những sáng tạo trong vai diễn, đem lại nhiều hứng thú cho khán giả.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên cho biết sau 9 ngày diễn ra cuộc thi, các thi sinh đã hóa thân tài tình vào những nhận vật, đặc biệt là những nhân vật đã được sáng tạo và truyền dạy từ bao đời nay. Các bạn đã thể hiện sinh động tinh hoa của nghệ thuật truyền thống là Thanh – Sắc – Thục – Tinh – Khí – Thần và đã được thầy cô, bạn bè đồng nghiệp, công chúng đón nhận”.

Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng cuộc thi vẫn còn những đơn vị không có diễn viên tham gia hoặc tham gia chưa có chất lượng. Vẫn biết, hoạt động động của sân khấu truyền thống hiện nay là vô cùng khó khăn, nhọc nhằn, nhưng để khán giả đến với sân khấu, để nghệ thuật luôn được bảo tồn và phát triển thì trách nhiệm trước hết thuộc về mỗi chúng ta, từ nghệ sĩ diễn viên đến lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật và các nhà quản lý.

Cuộc thi nào cũng vậy, bên cạnh thí sinh đạt giải, có thí sinh nhiều cố gắng nhưng chưa đạt giải. Trong lao động sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo nghệ thuật, tài năng của nghệ sỹ biểu diễn là kết quả của cả một đời học tập và khổ luyện bền bỉ. Bởi vậy, các diễn viên trẻ đạt giải lần này mới chỉ là bước đi thành công ban đầu, con đường vươn tới tài năng đang chờ ở phía trước với những thách thức lớn hơn.

Lối đi nào cho tương lai?

Bên cạnh những thành công, cuộc thi cũng để lại những khoảng lặng “buồn”. Trong khi các nhà hát ở Trung ương và Hà Nội được đầu tư mạnh cả về tiền bạc, công sức thì dường như với các đơn vị nghệ thuật địa phương đi thi chỉ để “điểm danh”.

NSƯT Lê Chức- Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu cho biết: “Tôi thấy một số đơn vị nghệ thuật địa phương chưa thực đầu tư đúng hướng. Vai trò chỉ đạo nghệ thuật cũng như giám đốc, trưởng đoàn rất mờ nhạt”.

Cũng theo NSƯT Lê Chức thì với các đơn vị nghệ thuật địa phương quanh năm họ không có lớp tập huấn hay rèn giũa các vai diễn cho diễn viên trẻ . Khi có cuộc thi thì vội vã mời thầy dạy cấp tập vài tuần. Cũng vì thế, tiết mục dự thi của những đơn vị này đầu tư rất sơ sài không có phông cảnh, người phụ diễn thì non nghề không tiếp sức và hỗ trợ cho người thi. Một trích đoạn Tuồng hay Chèo thì cũng cần phải có bối cảnh, không gian để tạo cảm hứng cho người diễn thì lại không hề được quan tâm.

Không chỉ khó về khâu chuyên môn mà ngay việc cử các diễn viên tham dự cuộc thi cũng là “bài toán” nan giải. Lý giải về sự vắng mặt, ông Vũ Huy Thành - Trưởng đoàn Chèo Hải Phòng thừa nhận, đơn vị gặp nhiều khó khăn khi xin kinh phí cho diễn viên trẻ tham gia cuộc thi bởi ngân sách thường phải lập kế hoạch trước 1 năm. Nhà nước quy định chế độ ưu đãi nghề nghiệp và bồi dưỡng cho diễn viên chính trung bình 200.000 đồng/1 buổi diễn nhưng địa phương chỉ có thể chi 100.000 đồng/1 buổi diễn do doanh thu biểu diễn rất hạn chế.

Hoạt động khó khăn nên việc đào tạo diễn viên trẻ và giữ chân diễn viên trẻ ở lại đơn vị cũng vô cùng nan giải. Đoàn Chèo Hải Phòng đang thực hiện tinh giảm biên chế 10% và không ký hợp đồng chỉ tiêu biên chế tiếp. Đó là lý do mà Bộ VHTTDL có đưa dự án đào tạo tuyển sinh về giúp Hải Phòng tổ chức thi tuyển diễn viên bổ sung nguồn lực nhưng đoàn không dám nhận vì không có chỉ tiêu biên chế, sợ học sinh đào tạo ra trường không có “đầu vào” nhận về.

“Đưa một diễn viên đi dự thi, đoàn cũng đã rất cố gắng cân đối các nguồn khi cử cả dàn nhạc cùng tham gia biểu diễn. Thấy “nhà khó” nên thí sinh cũng phải chung tay đóng góp chi phí tự nguyện cho đoàn. Việc đầu tư dàn trải cho quá nhiều loại hình nghệ thuật dẫn tới không loại hình nghệ thuật nào phát triển được. Nguy cơ nghiệp dư hoá đang là nỗi lo của các đơn vị nghệ thuật truyền thống địa phương”- ông Thành cũng chia sẻ.

Đồng cảnh ngộ, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM cũng đau đầu đối với việc thu hút tài năng trẻ và giữ chân họ ở lại với đơn vị. Hiện, Nhà hát đang có một lứa gồm 14 diễn viên trẻ được tuyển theo tính chất đào tạo truyền nghề. Mới đây, thi tuyển viên chức chuyên ngành nghệ thuật chỉ có những em tốt nghiệp lớp 12 và có bằng trung cấp mới được thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trăn trở ươm mầm tài năng