Trên những cánh đồng rộng mênh mông mùa mưa, hàng chục nông dân lội bì bõm trong đêm tối, với chiếc đèn pin nhỏ phát ra chùm sáng trắng lia qua lia lại. Họ là những thợ săn ếch đồng, loại sản vật giờ đây đã khá khan hiếm.
Như đã hẹn trước, từ lúc trời còn chưa tối hẳn, nhóm 3 người của anh Nguyễn Văn Lợi, 32 tuổi ở xã Vĩnh Châu A (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) đã chuẩn bị đồ nghề cho buổi đi săn ếch đồng. Ngoài đèn pin, vợt lưới, ắc quy soi sáng các anh còn chuẩn bị cả bánh mì để ăn lúc khuya. Nói về công việc này, anh Lợi bảo có nhiều cách để bắt ếch mỗi khi mùa nước nổi tràn về. “Ếch thì có quanh năm nhưng từ tháng 8 tới cuối năm là thời điểm chúng béo mập nhất. Con nào cũng bự, vàng ươm bởi mưa và nước từ thượng nguồn tràn về, thức ăn dành cho ếch cũng nhiều lắm. Mấy cánh đồng vùng biên giới từ khu ngập nước Láng Sen cho tới tận sông Vàm Cỏ Tây đều có rất nhiều ếch đồng. Những ngày có mưa buổi chiều thì săn ếch vào ban đêm là nhiều nhất. Chúng từ hang chui ra ngoài kiếm ăn, ngồi la liệt trên bờ đất vậy”, anh Lợi chia sẻ.
Theo người đàn ông này, nhóm của anh sẽ đi ghe men theo bờ kênh để tới những cánh đồng đang mấp mé nước nước nổi. Tại đây, sau khi neo ghe lại, mỗi người sẽ tỏa đi một hướng để tìm kiếm ếch. Ngoài việc phát hiện ra chúng bằng cách nghe tiếng kêu, các thợ bắt ếch cũng có thể tìm kiếm bằng những kinh nghiệm lâu năm như nhìn bờ ruộng, mé nước, lớp cỏ mọc… để xác định khu vực nào có nhiều ếch sinh sống, dễ hay khó bắt được chúng. “Ếch đồng rất lạ. Nếu trời tối mà nghe thấy tiếng động dù nhỏ thì chúng cũng nhảy đi mất. Còn nếu có đèn pin soi sáng, rọi vào mắt chúng thì chúng lại ngồi im không di chuyển gì cả. Vì vậy, chúng tôi sẽ bước nhẹ nhàng trên những bờ ruộng, soi đèn phía trước. Khi nào gặp ếch thì dừng đèn pin lại, chiếu vào người chúng liên tục rồi sử dụng chiếc vợt tre chụp xuống, giữ con ếch lại”, anh Lợi kể.
Theo chân nhóm những nông dân đi soi ếch đồng, chúng tôi tới khu vực cánh đồng đang bỏ hoang, nước đã nổi sau những trận mưa lớn gần đây ở ven kênh 79. Mùa này nước nổi bắt đầu tràn về nên người dân cũng tranh thủ săn tìm các loại sản vật khác. Vì thế, những nơi nào trũng thấp, ngập sâu thì nghe rộn ràng tiếng ghe vỏ lãi, tiếng người nói vọng lại phía xa xa kèm theo ánh đèn loang lổ màn đêm. Ngoài những người đi soi ếch, họ cũng có thể đi đổ dớn, săn rắn, chuột hay nhổ bông sen, bông súng. Với những nông dân ở khu vực đầu nguồn sông Vàm Cỏ Tây này, nước nổi tràn về cũng đem tới nhiều nguồn thu bởi giá các loại sản vật đều khá cao. Tại đây, anh Trần Văn Thân, 23 tuổi làm nghề săn bắt ếch chỉ tay ra những ngả đường ruộng dài hun hút phía trước. “Em với anh Mạnh sẽ đi men theo kênh 79, anh Lợi thì đi xuôi kênh T2 rồi vòng về phía khu ngập nước và gặp nhau ở đó. Bây giờ mới gần 9 giờ tối, chắc tới chừng quá 12 giờ thì mọi người sẽ gặp nhau. Mùa này nước còn thấp, bờ kênh nhiều cỏ lau nên ngoài ếch có thể bắt được cả chuột đồng, rắn mối nữa”, anh Thân nói.
Nếu những người dân săn bắt hải sản thường sử dụng ghe xuồng thì những thợ săn bắt ếch lại buộc phải lội bộ di chuyển, không còn cách nào khác. Dù vậy, anh Lợi rất hào hứng bởi lúc chiều có cơn mưa kéo dài chừng nửa tiếng. Ngay bây giờ, bốn phía chúng tôi đang đứng cũng ì oạp tiếng ếch kêu râm ran dù không biết chúng đang ở đâu. Khi thấy luồng sáng của chiếc đèn pin trên đầu anh Lợi di chuyển, tôi cũng đi theo. Nhưng chưa được chục mét, anh bất ngờ khựng lại, nói bằng giọng trầm trầm như reo lên “đây rồi”. Tôi ngó đầu lên phía trước, nhìn vào khoảng bờ đất đang có ánh sáng chiếu thẳng vào. Phải mất chừng vài giây, tôi mới nhìn thấy một chú ếch to như củ khoai tây đang ngồi trễm trệ, mắt mở tròn nhưng không nhúc nhích gì. Bằng một động tác thuần thục, anh Lợi vòng tay ra phía sau lưng, rút cây vợt và chụp xuống chú ếch. Lúc này ánh đèn pin trên đầu anh chạy đi chạy lại và chú ếch cũng nhảy loi choi nhưng bị giữ lại bởi chiếc vợt lưới. Anh cũng nhẹ nhàng luồn tay dưới lớp cỏ ghì chặt bụng chú ếch, bỏ vào chiếc giỏ lưới bên thắt lưng. Tất cả chỉ diễn ra trong thời gian chừng hai phút đồng và chúng tôi lại tiếp tục di chuyển. Không hiểu sao, cứ đều đặn vài phút, anh lại bắt được một con ếch.
Mặc dù được nhân giống, nuôi công nghiệp một cách dễ dàng và bán với giá khá rẻ ở những chợ dân sinh nhưng ếch đồng sinh sống trong tự nhiên vẫn là một đặc sản hiếm, được nhiều người ưa chuộng dù giá khá cao. Trong thời gian đi soi ếch cùng những nông dân ở Long An, chúng tôi mới phần nào hiểu được nguyên nhân. Ngoài việc khó khăn khi săn bắt thì ếch đồng đạt chất lượng cũng không phải dễ kiếm. Bởi nhiều con còn khá nhỏ nên dù bắt gặp, những thợ săn này cũng không bắt chúng.
Sau chừng gần 2 giờ đồng hồ thì chúng tôi đã tới khu vực điểm hẹn ở ven kênh T2, lúc này nhóm của anh Thân, anh Mạnh đã tới trước. Hai anh đang ngồi ăn bánh mì, nói kế hoạch tối mai sẽ vòng sang bên phía kênh Phước Xuyên, kênh Gò Thuyền ở phía dưới Hoà Bình. “Nãy giờ anh em tôi bắt được chừng gần 3kg, nhưng có nhiều ếch gộc lắm. Có con nặng chừng 3 lạng chứ không ít. Ếch đó giờ hiếm lắm, phải hên lắm mới chụp được. Còn lại cũng có nhiều con nhỏ, chắc phải bỏ chum cho chúng ăn một thời gian mới bự lên được. Ếch sinh sống trong tự nhiên thì màu sắc vàng đốm đen rất đẹp. Mình đem về nuôi vài bữa là chúng mất màu, dân trong nghề nhìn thoáng cái cũng biết”, anh Thân nói.
Theo những người đi săn ếch này, hiện nay thương lái thu mua ếch đồng loại nhất (khoảng 6-7 con/kg) khoảng 120.000 đồng/ký lô. Loại nhỏ hơn thì giá chỉ khoảng 70.000 - 90.000 đồng/1kg. Riêng ếch đồng nhưng được nuôi thêm trong chum thì giá chỉ khoảng 60.000 - 70.000 đồng dù chất lượng của chúng cũng không thua kém nhiều ếch tự nhiên.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài các người đi săn ếch đồng bằng đèn pin, ở khu vực này nông dân còn bắt ếch đồng bằng cách đặt bẫy lợp và bẫy câu. Trong đó bẫy lợp thì phổ biến hơn vì vẫn giữ cho ếch còn sống khoẻ mạnh sau khi bắt được. Ngược lại, bẫy câu thì sức khoẻ ếch sẽ yếu rất nhanh, có thể chết hay thậm chí bị rắn, chuột ăn mất. “Trước kia tôi cũng đi đặt bẫy lợp ếch nhưng năm nay chỉ soi đèn thôi. Đặt lợp thì nhàn lắm, không phải thức đêm vất vả như thế này đâu. Tuy nhiên, chi phí khá cao bởi ngoài tiền lợp thì còn phải mất tiền mua thức ăn mồi. Mỗi cái lợp giờ cũng 25.000 đồng rồi, đặt được hơn năm là hỏng. Mình đặt 100 cái thì cũng mất mấy triệu bạc. Hơn nữa bẫy lợp chỉ đặt gần nhà thôi chứ đặt ở đồng xa thì dễ bị mất ếch, mất cả lợp nữa”, anh Thân chia sẻ.
Khi trời ngả sang màu sáng đục thì nhóm người bắt ếch cũng trở lại nơi neo đậu ghe. Trên kênh 79, đã thấy nhiều ghe vỏ lãi của người dân đi chợ sớm chạy ngược xuôi. Có ghe chạy từ bên phía Tân Phước, Hoà Bình lại nhưng cũng có ghe từ trong đồng ở Thạnh Lợi, Tân Công Sính ngược lên. Mùa nước nổi cuộc sống của những cư dân nghèo sinh sống bám vào thiên nhiên lại trở lên nhộn nhịp, hối hả hơn rất nhiều. Lúc này, trong túi lưới của anh Lợi, anh Thân là những chú ếch vàng óng ả, nhảy loi choi. Các anh bảo sẽ chạy về phía chợ Vĩnh Đại để bán cho thương lái luôn, vì ếch sau săn bắt có thể bị yếu, bị chết khi nhốt chúng trong túi lưới chật hẹp. Với chừng 5-6 kg ếch lẫn lộn, những thanh niên này có thể kiếm được khoảng gần nửa triệu đồng cho một buổi đi soi ếch đêm. Đó là số tiền khá lớn với những người nông dân nơi đây, dù rằng công việc cũng vất vả và khó khăn.