Trang phục khi đến trường

Hàn Minh 30/08/2023 06:39

Ở bậc đại học, cả giảng viên và sinh viên đều được tự do hơn trong cách lựa chọn trang phục tới trường so với bậc học phổ thông. Tuy nhiên, yêu cầu lịch sự, chuẩn mực vẫn được hầu hết tất cả các trường đề cao.

Vừa qua, câu chuyện một trường tư thục ở TP Thủ Đức, TPHCM cho phép học sinh toàn trường được mặc pyjama hoặc quần áo ở nhà đến trường trong 1 ngày học hè tháng 8 đã nhận được sự quan tâm của dư luận xã hội. Nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra trong khi tất cả học sinh đều tỏ ra rất phấn khích, thích thú khi lần đầu tiên được mặc trang phục này khi tới trường. Sân trường với đủ kiểu dáng, sắc màu có lẽ là hình ảnh hiếm thấy ở hầu hết các trường học của Việt Nam hiện nay khi quy định đồng phục đã xuất hiện ở tất cả các nhà trường phổ thông trên cả nước, thậm chí ở bậc đại học.

Mặc dù quy định mặc đồng phục đến trường có ưu điểm là không phân biệt giàu nghèo giữa các học sinh trong cùng một lớp, một trường và thể hiện sự tôn trọng kỷ luật của nhà trường song cũng có những bất cập. Đó là hiện nay, nhiều nhà trường quy định mặc đồng phục tất cả các ngày trong tuần, nghĩa là ít nhất mỗi học sinh cũng cần có khoảng 3 bộ đồng phục mùa hè, 2 bộ đồng phục mùa đông, chưa kể áo khoác, bộ thể dục… để thay đổi do những ngày trời mưa, giặt chưa kịp khô. Tuy nhiên, giá mỗi bộ đồng phục đều không rẻ, thường từ trên 200 nghìn đồng/bộ. Rất hiếm trường bán riêng áo hoặc riêng quần mà yêu cầu phụ huynh mua cả bộ dẫn đến số tiền chi trả cho việc mua quần áo đầu năm cũng là một khoản lớn.

“Trẻ con bây giờ lớn nhanh, đầu năm đã chấp nhận mua hơi rộng một cỡ mà chỉ đến giữa năm con đã mặc vừa in, thậm chí quần còn hơi chật. Nhưng lại mua nữa thì quá tốn kém nên gia đình động viên cháu chỉ cần mặc áo, quần mặc loại khác cũng được nhưng cháu không đồng ý, sợ cô giáo phạt” – một phụ huynh có con học lớp 2 ở Thanh Trì, Hà Nội kể và bày tỏ mong muốn giá như nhà trường quy định các thứ 2, 4, 6 mặc đồng phục, các ngày khác mặc trang phục tự do miễn là lịch sự đến trường thì sẽ đỡ cho phụ huynh hơn rất nhiều.

Năm học 2023-2024, Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM cũng thông báo sinh viên nhập học phải đóng gần 1,1 triệu đồng cho 2 áo sơ mi, 2 quần tây, 1 bộ quần áo thể dục, 1 thẻ đeo sinh viên. Theo lý giải của nhà trường, đồng phục là truyền thống, tự hào cũng như thể hiện sự bình đẳng. Với đặc thù đào tạo về giao thông vận tải, đặc biệt là ngành Hàng hải đòi hỏi tính kỷ luật rất cao nên việc mặc đồng phục là yêu cầu bắt buộc. Ngoài ra, mặc đồng phục sẽ đảm bảo an ninh an toàn hơn, không để người ngoài trà trộn vào trường lấy đồ dùng, tư trang của sinh viên.

Dẫu vậy, nhiều ý kiến cho rằng sinh viên cũng mặc đồng phục kín tuần như học sinh phổ thông có nguy cơ “triệt tiêu" sự sáng tạo, tính cá nhân của sinh viên. Những năm trước đó, trường chỉ yêu cầu mặc đồng phục áo nhưng từ năm nay, trường quy định thêm cả quần đồng phục.

Hiện quan điểm của mỗi nhà trường đối với vấn đề trang phục khi đến trường là không giống nhau. Ngay cả yếu tố chuẩn mực của trang phục vốn được đề cao trong giáo dục lâu nay đến thời điểm này cũng đã có những thay đổi ở một số cơ sở giáo dục đào tạo. Tuy nhiên, dù có thể chấp nhận những lần “phá rào” trong một hoàn cảnh cụ thể do nhà trường tổ chức thì yêu cầu nghiêm ngắn, lịch sự khi ra đường nói chung và trong môi trường học đường nói riêng vẫn cần được đề cao, tôn trọng bởi chính cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, giảng viên và sinh viên trong mỗi nhà trường.

Song để giảm bớt gánh nặng cho người học và gia đình, các nhà trường có thể linh hoạt về thời gian mặc đồng phục hoặc có các hoạt động sáng tạo như cách Trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, Hà Nội) đang thực hiện. Đó là, nhà trường phát động chương trình “Siêu thị đồng phục 0 đồng” để học sinh trao tặng lại những bộ đồng phục đã qua sử dụng, còn rất mới tới những bạn cần, vừa tiết kiệm chi phí vừa là hành động nhân văn, ý nghĩa khi chia sẻ khó khăn với những người xung quanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trang phục khi đến trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO