Tránh bệnh thờ ơ, vô cảm

N.Khánh 25/03/2016 00:05

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tiếp cận thông tin chiều 24/3, nhiều ĐBQH cho rằng: Cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong cung cấp thông tin để tránh bệnh thờ ơ, vô cảm.

Góp ý kiến vào Dự thảo luật ĐB Trần Thị Diệu Thúy (TP HCM) cho biết vẫn còn một số điều luật chưa quy định rõ, luật quy định, cung cấp thông tin không chính xác gây thiệt hại mà là lỗi do vô ý thì không bồi thường, vậy cơ quan sử dụng thông tin này chưa kịp xác minh mà sai gây ra hậu quả có phải chịu trách nhiệm? Vì vậy cần quy định cụ thể hơn để có cơ quan chịu trách nhiệm.

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị, dự thảo luật cần làm rõ khái niệm về các thông tin có điều kiện để luật đảm bảo tính minh bạch, tránh hạn chế quyền công dân khi tiếp cận thông tin. Về trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước rất đồng tình phải đảm bảo để cơ quan nhà nước hoạt động bình thường, tuy nhiên cần quy rõ trách nhiệm để cơ quan nhà nước phải cung cấp thông tin cho công dân, tránh gây khó khăn bức xúc cho dân và tránh bệnh thờ ơ vô cảm của cơ quan Nhà nước trong cung cấp thông tin. Góp ý kiến vào trình tự cung cấp thông tin ĐB này cũng đề nghị cần làm rõ thế nào là thông tin đơn giản, thông tin phức tạp để dễ thực hiện, tránh trì hoãn, gây khó dễ cho người cần tiếp cận thông tin.

Đồng quan điểm, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho hay, thông tin thuộc bí mật quốc gia gồm các thông tin chính trị, an ninh quốc gia, khoa học công nghệ… nhưng phải quy định rõ thế nào là thông tin quan trọng là thông tin bí mật để tránh bưng bít thông tin, thông tin mật tràn lan làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Cho rằng những thông tin bí mật quốc gia gây ảnh hưởng đến đất nước thì không cung cấp nhưng với những thông tin đã được giải mật cũng phải tạo điều kiện cho công dân tiếp cận thông tin, ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) nói: Điều 6 thông tin thuộc bí mật nhà nước được giải mật công dân được tiếp cận nhưng không nói rõ tiếp cận theo phương thức nào? Người dân có được tự do tiếp cận hay phải tiếp cận theo yêu cầu, luật cần làm rõ điểm này.

Còn, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị, luật quy định chỉ cơ quan Nhà nước có nghĩa vụ cung cấp thông tin là chưa đầy đủ, các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, trường học, bệnh viện… có dùng ngân sách đều có những thông tin tác động đến xã hội. Minh bạch thông tin sẽ tránh tham nhũng, lợi ích nhóm…và vì vậy cần bổ sung thêm chủ thể cung cấp thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh bệnh thờ ơ, vô cảm