Tranh cãi cho học sinh tựu trường sớm: Chuyên gia nói gì?

Hoàng Chiến 16/05/2022 17:30

Gần đây, trên một số diễn đàn tại Hà Nội, nhiều phụ huynh và giáo viên bày tỏ mong muốn cho học sinh tựu trường sớm sau 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, không ít luồng quan điểm trái ngược.

“Sống còn” đối với học sinh Tiểu học

Có con trai mới bước vào lớp 1, chị Trần Phương Hoa (Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết, năm học vừa qua gia đình phải “vật lộn” với con để có thể đạt kết quả học tập tốt nhất. Chị Hoa chia sẻ, vì học online thời gian dài khiến việc học trực tiếp của con có phần ảnh hưởng.

Theo đó, dù đã đi học trực tiếp được một thời gian nhưng chữ viết của con chị vẫn rất xấu, tiếp thu kiến thức còn chậm và đặc biệt là tâm lý sợ sệt mỗi khi đến lớp, chưa hoà đồng với bạn bè. Điều này khiến chị Hoa không khỏi lo lắng, nhất là khi điểm kiểm tra trực tiếp của con chị kém hơn khi làm bài trực tuyến rất nhiều.

“Ở vùng nông thôn và ngoại thành như chúng tôi, cho các con bớt thời gian nghỉ hè để vào năm học sớm là cần thiết, nhất là đối với những học sinh cấp 1. Việc học sớm không chỉ giúp các con có thêm thời gian ôn tập lại kiến thức mà còn làm quen trở lại với trường học, bạn bè sau thời gian dài học online”, chị Hoa cho hay.

Cũng có con nhỏ học đang học lớp 4, chị Nguyễn Thị Hiền (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, thời gian qua việc học online đã khiến nhiều thói quen học tập của con gái chị thay đổi, chất lượng học tập cũng giảm sút, khả năng tập trung kém. Do đó, chị và nhiều phụ huynh khác đã bày tỏ mong muốn nhà trường tổ chức đi học hè sớm để có thêm thời gian cho học sinh ổn định lại kiến thức.

“Thời gian nghỉ dịch vừa qua đã là quá đủ đối với các con, rút ngắn thời gian nghỉ hè để tập trung lại cho việc học là cần thiết hơn ở thời điểm này. Đối với các cấp học lớn hơn có thể chưa cần thiết nhưng với học sinh tiểu học thì như thể sống còn với các con khi năm học vừa rồi chất lượng học tập không được đảm bảo, nhất là ở vùng ngoại thành, điều kiện học online còn gặp nhiều khó khăn”, chị Hiền nêu quan điểm.

Cân nhắc tuỳ vào hoàn cảnh thực tế

Trước đó, Hà Nội đã quyết định cho học sinh nghỉ hè theo đúng kế hoạch, kết thúc năm học vào cuối tháng 5/2022 để học sinh nghỉ hè, vui chơi.

Chị Hoàng Thị Thanh Thuý (Cầu Giấy) có con đang theo học tại trường THCS Nam Từ Liêm lại có quan điểm trái chiều. Theo chị Thuý, quãng thời gian qua không chỉ học sinh mà giáo viên cũng gặp nhiều áp lực khi vừa phải chống dịch, vừa học tập trong điều kiện không mấy thuận lợi. Do vậy, việc có thêm thời gian nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần để chuẩn bị cho năm học mới cần thiết hơn là cố nhồi nhét kiến thức trong kì nghỉ hè này.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) cũng đánh giá, việc học trực tuyến thời gian dài vừa qua khiến chất lượng giáo dục khó được đảm bảo. Do vậy, học sinh cần có thêm thời gian được giáo viên trực tiếp ôn tập, bồi dưỡng.

Ông Khang cũng cho biết thêm, ngay từ đầu tháng 8, học sinh các trường ngoài công lập có thể đã quay trở lại trường để tiến hành ôn tập, tổ chức các hoạt động trải nghiệm. Do đó, ông Khang nêu quan điểm, các trường công lập cũng có thể xem xét, lên kế hoạch cho học sinh quay trở lại trường sớm để có thêm thời gian ổn định, ôn tập, trang bị kiến thức trước khi bước vào năm học mới.

Trong khi đó, GS. Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc học trực tiếp trở lại là vô cùng cần thiết, tuy nhiên cũng cần cân nhắc đến nhiều yếu tố và hoàn cảnh thực tế. Việc học online thời gian qua rõ ràng chưa phát huy được hiệu quả và đảm bảo được chất lượng giáo dục, do đó không thể thay thế cách học truyền thống.

GS. Phạm Tất Dong.

Bởi vậy, GS. Dong cũng đề xuất, học trực tiếp sớm trở lại là thực tế tất yếu. “Năng lực dạy trực tuyến của nhiều trường rất yếu kém, nhiều nơi cũng không đủ các phương tiện để học sinh học trực tuyến. Để chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới, không còn cách nào khác là phải tập trung học sinh sớm để tiến hành ôn tập, củng cố kiến thức”.

Chuyên gia cũng bày tỏ băn khoăn trước tình hình dịch bệnh, trên thực tế dù đã được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội được khôi phục về trạng thái bình thường mới, tuy nhiên nếu tập trung học sinh tựu trường sớm mà không cân nhắc các phương án phòng chống dịch thì ngành giáo dục dễ rơi vào trạng thái bị động, mất kiểm soát.

“Nguy cơ bùng phát dịch trở lại vẫn còn, lúc đó chỉ lo ngại ngành giáo dục “không kịp trở tay. Do đó, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ học trực tiếp, còn cần tính toán rất kĩ lưỡng các phương án phòng chống dịch”, chuyên gia trao đổi với PV Đại Đoàn Kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tranh cãi cho học sinh tựu trường sớm: Chuyên gia nói gì?