Xứ Huế là nơi có nhiều làng làm các loại tranh dân gian khác nhau, nhưng nổi tiếng hơn cả là làng Sình, hiện vẫn còn nghệ nhân làm ra những bức tranh, bộ tranh dân gian độc đáo.
1. Làng Sình có tên chữ là Lại Ân, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang; cách thành phố Huế khoảng 10km. Xã Phú Mậu gồm 8 ngôi làng, trong đó có làng Sình là đắc địa nhất, hướng thủy, lượn ôm vòng cung tạo thành một bán đảo trù phú.
Về thời điểm xuất hiện tranh làng Sình, có nhiều ý kiến khác nhau. Một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, tranh làng Sình hình thành khoảng thế kỉ 19. Lại có ý kiến khác quả quyết, làng Sình có vào thế kỉ 16 sau đó không lâu dân trong làng đã bắt đầu làm tranh…
Như nhiều làng tranh dân gian khác, nghề làm tranh ở làng Sình cũng có thời hoàng kim. Nhiều người ở làng tranh này còn kể, vào trước năm 1945, làng Sình trong làng có một nửa các hộ dân là làm nghề tranh. Quanh làng luôn nhộn nhịp việc làm tranh, bán tranh…
Các nhà nghiên cứu đã tạm chia tranh Sình thành 3 nhóm chính: tranh nhân vật, tranh súc vật và tranh đồ vật, chủ yếu phục vụ cho nhu cầu thờ cúng. Ngày nay, tranh làng Sình có thêm các nội dung khác. Những bức tranh trang trí thuộc đề tài dân gian và tranh bát âm ra đời đã làm phong phú thêm cho tranh làng Sình. Dòng sản phẩm này được khách du lịch ưa chuộng. Đó có thể là hội vật hay các trò chơi kéo co, bịt mắt bắt dê…; rồi hình ảnh bát âm gồm nhị, nguyệt, trống, sáo, đàn bầu, tỳ bà, đàn tranh.
Với sự đa dạng về mẫu mã, lại thiết thực với đời sống tín ngưỡng của người dân, nên tranh làng Sình không chỉ được ưa chuộng ở Huế mà còn được bán ở các tỉnh khác như Bình Định, Quảng Trị... Do đó, nghề in tranh có sự khởi sắc, nhiều gia đình trong làng tổ chức in tranh, sân nhà vang rộn tiếng giã điệp và tiếng nói cười của những người tham gia làm tranh.
2. Trong lịch sử thăng trầm của làng Sình còn có dấu mốc, đó là vào năm 1963 các nghệ nhân tranh làng Sình cải tiến không dùng bút tre cứng (vì hay hỏng) mà dùng bút rễ dứa dại có độ bền cao hơn. Năm 1963 cũng đánh dấu sự thay đổi về kĩ thuật sản xuất, các gia đình in tranh đã đồng loạt thay đổi nguyên liệu in tranh (giấy dó) thành giấy rơm, giấy công nghiệp... thay đổi từ màu tự nhiên thay bằng màu phẩm, vẫn giữ bột điệp trong vẽ tranh. Sự thay đổi này cũng dẫn đến những biến đổi trong tổ chức sản xuất. Vì các công đoạn kĩ thuật được cải tiến theo hướng đơn giản hơn nên số lượng nhân công cũng giảm đi. Các gia đình in tranh về cơ bản sử dụng lao động trong gia đình là chủ yếu. Tuy không có sự phân công rõ ràng, song các thành viên “mỗi người một việc” và có sự lựa chọn công việc phù hợp lứa tuổi, khả năng.
Sau một thời gian gián đoạn, từ năm 1990 đến nay, nghề tranh dân gian làng Sình hồi phục, dù không còn được như xưa.
Hiện nay, đến làng Sình nhiều du khách lẫn các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà sưu tập tranh dân gian thường tìm đến gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước. Đây là nghệ nhân không chỉ có công tiếp nối, giữ lửa làng nghề mà còn sáng tạo ra nhiều mẫu mới, đáp ứng nhu cầu của người dân và làm phong phú hơn cho các mẫu tranh làng Sình. Cụ thể, năm 2000, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã sáng tạo thêm cho tranh làng Sình thể loại trang trí in trên giấy dó được quét điệp, phản ánh các sinh hoạt của đời sống và sản xuất như cày ruộng, cấy lúa, thu hoạch; các trò chơi dân gian như kéo co, bài chòi, bịt mắt, vật, bộ lịch 12 con giáp…
Thời điểm hiện tại, ở làng Sình có 5 gia đình làm tranh. Cùng với gia đình nghệ nhân Kỳ Hữu Phước còn có gia đình anh Trần Văn Mười. Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước thu hút khách du lịch, thường bán những tranh truyền thống làm theo lối trang trí, còn gia đình anh Mười sản xuất tranh truyền thống đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng dân gian. Hiện nay tranh được cung cấp không chỉ ở Huế mà còn bán ở Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng…
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước hiện được cho là người cuối cùng biết chế tác và khắc nét tranh đúng theo lối làm tranh dân gian làng Sình cổ. Theo các nhà nghiên cứu, đây là công đoạn đòi hỏi nhiều kĩ thuật phức tạp, lao động khá vất vả, kĩ xảo cao và hiểu biết tường tận về nội dung dòng tranh này mới có thể khắc thành công được.
Trong quá trình tồn tại, tranh dân gian làng Sình đã thể hiện được vai trò của mình trong đời sống tinh thần của người dân xứ Huế và một số khu vực lân cận. Ngoài việc phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, hỗ trợ đời sống kinh tế, nghề in tranh làng Sình còn góp phần lưu giữ những giá trị truyền thống và mở ra những giá trị mới...
Tranh làng Sình có đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng, cam, đen… Ngày trước, các màu này đều được chế từ cây cỏ, hoặc các thứ gần gũi trong cuộc sống thường nhật.
Màu đỏ được làm từ rễ cây vang, sau đó sắc trên nồi đất nung lửa đỏ 4, 5 ngày.
Màu xanh lại chế từ hỗn hợp hoa dành dành và lá mối.
Màu vàng chế từ lá cây đung, trộn cùng hoa hòe cô đặc.
Màu tím được tạo ra từ quả mồng tơi giã nhỏ, vắt thành nước pha với phèn chua
Màu chàm làm từ lá cây chàm ngâm vôi cho rữa nát, đánh cho tơi và nổi bọt, rồi vớt lấy bọt đó lọc kỹ, cho nước vào và cô đặc lại.
Màu cam làm từ gạch non mài ra trộn thành bột.
Màu đen là hỗn hợp của tro bếp trộn với lá bàng ngâm ủ trong 1 tháng.