Câu chuyện tranh giả công khai xuất hiện trên các sàn đấu giá quốc tế một lần nữa khiến giới mỹ thuật Việt xôn xao. Nhiều người lo ngại việc này làm xấu hình ảnh mỹ thuật Việt Nam, đặc biệt là các họa sĩ nổi tiếng thời mỹ thuật Đông Dương…
“Lập lờ đánh lận con đen”
Những ngày qua, trên nhiều trang mạng xôn xao câu chuyện một bức tranh ký tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ chuẩn bị được đấu giá. Cụ thể, chuẩn bị cho phiên đấu giá Ngày giảm giá nghệ thuật hiện đại vào ngày 10/10, Sotheby’s đăng trên website bức bình phong sơn mài gỗ “L’image traditionnelle d’une maison de paysan” (Hình ảnh một nhà tranh truyền thống) đề tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ. Mức giá dự kiến 700.000-1.000.000 đô la Hồng Kông (khoảng 2-2,9 tỷ đồng).
Ở phần ghi chú, họ viết: “Tác phẩm này tương đương bức “Nhà tranh gốc mít” (1958) của Nguyễn Văn Tỵ tại Bảo tàng Mỹ thuật ở Hà Nội”.
Một số họa sĩ và giám tuyển nghệ thuật, thông qua phân tích hình ảnh, nét vẽ, hòa sắc trên bức bình phong mà Sotheby’s đăng tải đã bày tỏ băn khoăn, nghi ngờ. Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho rằng, tác phẩm do Sotheby’s rao bán khá mới, màu sắc rực rỡ, cách làm sơn mài vụng về; trong khi đó bức tranh “Nhà tranh gốc mít” của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ mang vẻ đẹp đằm thắm, sâu sắc và có đường nét sắc sảo.
Họa sĩ Nguyễn Bình Minh - con gái họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, nguyên Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - khẳng định tác phẩm do Sotheby’s sắp đưa lên đấu giá là giả, vì vậy, gia đình mong muốn nhà đấu giá gỡ tác phẩm hoặc không đề tên họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ.
“Bố tôi không làm bức bình phong tranh gốc mít nào như vậy cả. Họ chép lại rồi lấy tên ông gắn vào là không được phép”, bà Minh nói đồng thời cho biết họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ chỉ sáng tác “Nhà tranh gốc mít”, kích thước 67x105 cm. Hiện bức này đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, bảo tàng mua tác phẩm sơn mài “Nhà tranh gốc mít” năm 1960, sau khi bức này được giải A tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc.
Bình luận về dòng ghi chú “tương đương” (Comparable to) của nhà đấu giá, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng đó là trò “lập lờ đánh lận con đen”.
Còn ông Nguyễn Anh Minh nói: “Trong nghệ thuật không có khái niệm tương đương, chỉ có tranh gốc, tranh giả và tranh nhái. Họ viết như thế là đánh tráo khái niệm, lừa đảo. Ngoài ra, bản gốc chỉ gồm một tấm, không phải ba tấm như Sotheby’s đăng tải”.
Ngược đời, tranh giả được đấu giá cao
Làm giả tranh của các danh họa Việt Nam không phải là câu chuyện mới. Tuy nhiên, làm giả tranh rồi công khai đưa lên sàn đấu giá quốc tế liên tiếp xảy ra gần đây khiến giới mỹ thuật rất băn khoăn. Bởi nếu không có những phản ứng mạnh mẽ, thì vấn nạn này sẽ tiếp tục xảy ra, và phần nào ảnh hưởng tới cách đánh giá của quốc tế về mỹ thuật Việt Nam.
Còn nhớ, cũng mới đây thôi, câu chuyện một số bức tranh giả đề tên họa sĩ Bùi Xuân Phái được một sàn đấu giá ở Pháp công bố và dự kiến mở đấu vào ngày 16/10. Khi nhìn qua hòa sắc và nét vẽ, nhiều họa sĩ đã chỉ ra sự ngô nghê của người chép.
Không chỉ có bức tranh giả đề tên họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhiều người phát hiện trong phiên đấu giá này còn có 1 bức đề tên họa sĩ Lê Phổ cũng là giả. Ngoài ra, họa sĩ Trịnh Lữ cũng phát hiện thêm bức tranh của cha mình - họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, bị giả mạo để đấu giá trong phiên này.
Chưa hết, mới đây, bức “Trà đàm” (1971) ký tên danh họa Mai Trung Thứ cũng được nhà đấu giá Aguttes đưa ra đấu giá. Giới nghiên cứu mỹ thuật liệt kê, như vậy, đã có tới 3 bức “Trà đàm” được mang ra đấu giá. Trước đó, bức thứ 2 từng được nhà đấu giá Sotheby’s phiên Hong Kong diễn ra ngày 5/10/2020 có giá gõ búa là 500.000 USD. Bức thứ 3 đã đổi chủ thứ cấp nhiều lần nhưng chưa từng lên sàn đấu giá.
Ngoài ra, bức tranh “Lồng chim” ký tên Mai Trung Thứ cũng chuẩn bị được nhà đấu giá Tajan (Pháp) đấu vào ngày 13/10 tới. Xem qua tác phẩm nhái này nhiều ý kiến cho rằng nét vẽ quá ngô nghê, cẩu thả.
Liên quan đến câu chuyện làm sao để “chặn” được vấn nạn tranh giả công khai trên sàn đấu giá, nhiều ý kiến mong muốn các bên liên quan vào cuộc để sớm làm minh bạch thị trường nghệ thuật. Về trường hợp giả tranh của họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi cho rằng gia đình có quyền nhân thân, vì vậy, họ có thể viết thư phản hồi, cung cấp bằng chứng xác thực cho Sotheby’s.
Tuy vậy, đại diện gia đình họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ cho biết, không có ý định liên hệ Sotheby’s, chỉ muốn thông tin sự việc để công chúng biết. Còn đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nói chỉ có trách nhiệm xác thực tác phẩm gốc, không liên hệ, phản hồi với nhà đấu giá.
Cũng có ý kiến cho rằng, Hội Mỹ thuật Việt Nam, thậm chí Bộ VHTTDL cần có những động thái mạnh mẽ trong vấn đề này. Bởi liên tiếp những vụ đấu giá tranh giả gần đây đều hướng tới những tên tuổi danh họa nổi tiếng Việt Nam, những người đã góp phần làm rạng rỡ nền mỹ thuật Việt. Do đó, nếu không ngăn chặn, sẽ ảnh hưởng tới thị trường mỹ thuật Việt Nam.