Kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 kéo dài, mọi người thường có xu hướng đi du lịch, liên hoan, họp mặt... Trong điều kiện thời tiết nắng nóng "hiếm gặp" như hiện nay, người dân cần lưu ý đến vấn đề thực phẩm, những bệnh về đường tiêu hóa.
Thông tin từ Bộ Y tế, trong tháng 3/2024, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 368 người bị ngộ độc. Tính chung quý I/2024, cả nước xảy ra 16 vụ ngộ độc thực phẩm (giảm 1 vụ so với cùng kỳ năm 2023) làm 659 người bị ngộ độc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong (giảm 4 ca so với cùng kỳ năm 2023).
Thông tin về một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong thời gian qua nhận được quan tâm của nhiều người.
Kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 kéo dài, mọi người thường có xu hướng đi chơi xa, liên hoan, họp mặt... Trong điều kiện thời tiết nắng nóng hiếm gặp, nhiều người băn khoăn về vấn đề thực phẩm, cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm khi đi du lịch…
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân chính dẫn tới ngộ độc thực phẩm là do điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ.
Thêm vào đó là quá trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách cùng với ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm…
Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Khi đi du lịch, người dân cần chú ý đến việc đảm bảo ăn uống đủ số lượng, chất lượng, vệ sinh và hợp khẩu vị; nên ăn những thức ăn giàu nhiệt lượng, nhưng phải dễ tiêu, thức ăn có đủ rau và hoa quả tươi.
Người dân nên chủ động uống nước, không nên đợi đến lúc khát mới uống và nên uống các loại nước có thành phần muối khoáng. Bên cạnh đó, người dân nên ăn uống đúng giờ để tránh làm ảnh hưởng đến dạ dày; không mang theo thức ăn hoặc chỉ mang rất ít vì trời nóng rất dễ làm đồ ăn mau hỏng.
Để tránh ngộ độc thực phẩm và rối loạn tiêu hóa khi đi du lịch, người dân có thể áp dụng một số cách sau:
Lựa chọn những nhà hàng và quán ăn có uy tín và đánh giá cao trên các trang web đánh giá.
Tránh ăn những thực phẩm tươi sống, chín không đầy đủ, không rõ nguồn gốc hoặc không được bảo quản đúng cách.
Bên cạnh đó, nên ăn thực phẩm được nấu chín hoàn toàn và ăn nóng. Điều chỉnh khẩu vị dần dần với thực phẩm địa phương.
Đặc biệt, không nên ăn quá nhiều thực phẩm mới lạ trong một lần. Uống nước đóng chai hoặc nước sôi sạch. Tránh uống nước đá và nước từ vòi hoặc máy lọc nước không đảm bảo vệ sinh.
Ngoài ra, nên tìm hiểu về thực phẩm địa phương và các món ăn đặc trưng của địa phương, đặc biệt là những thực phẩm có thể gây kích ứng cho dạ dày.
Để chủ động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đề nghị cơ quan quản lý các địa phương chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, chú trọng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8.
Các địa phương cần chú ý ngộ độc do nấm độc vào mùa xuân-hè, ngộ độc do các loại động, thực vật có chứa độc tố tự nhiên (nhất là các tỉnh/thành phố khu vực Miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên). Cùng với đó, chú ý ngộ độc do các loại thủy, hải sản có chứa độc tố tự nhiên như cá nóc, so biển, ốc biển lạ, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển.
Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị, ngành y tế và cơ quan chức năng các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp).