Tránh nguy cơ thiếu nguồn cung thịt lợn: Cấp đông là giải pháp dài hơi

Minh Phương 24/06/2019 08:00

Dịch tả lợn châu Phi vẫn đang lây lan và chưa thấy có dấu hiệu chững lại. Việc phòng chống dịch vẫn nan giải đối với nhà quản lý cũng như cả cộng đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì tiêu hủy lợn bị dịch, cần tìm ra những biện pháp khả quan hơn, tránh tình trạng nhìn thấy dịch đến mới đi tiêu hủy, gây hao tổn cả công sức lẫn tiền của…

Tránh nguy cơ thiếu nguồn cung thịt lợn: Cấp đông là giải pháp dài hơi

Cấp đông thịt lợn được cho là biện pháp dài hơi trong việc dự trữ nguồn thực phẩm.

Nhập khẩu thịt lợn tăng kỷ lục

Tính đến thời điểm này, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 4.068 xã, 413 huyện của 55/63 tỉnh, thành phố, số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 2,5 triệu con với trọng lượng xấp xỉ 150.000 tấn. Thời gian qua đã có 56 xã thuộc 15 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày. Tuy nhiên sau đó, một số nơi dịch bệnh lại bùng phát trở lại, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung cấp thịt ho thị trường.

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, nhà quản lý đang đau đầu để tìm cách chống dịch. Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng, thay vì tiêu hủy lợn đã nhiễm dịch, tại sao không đưa ra giải pháp khác mang tính chất dài hơi hơn, vừa tốt cho toàn ngành chăn nuôi, vừa không bị hao tổn công sức, ngân sách nhà nước dành cho việc tiêu hủy.

Có thể thấy đây là thời điểm nguồn cung thịt lợn rơi vào tình trạng khủng hoảng nhất. Trong khi đó, người Việt Nam vẫn sử dụng thịt lợn như thức ăn chính trong mỗi bữa cơm hàng ngày. Chính bởi yếu tố này, thời gian qua, lượng thịt lợn nhập khẩu tăng lên đột biến. Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cho thấy, 4 tháng đầu năm nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt lợn đạt 23,58 triệu USD, tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ. Đây là mức tăng kỷ lục sau khi Việt Nam xuất hiện dịch tả lợn châu Phi.

Tuy nhiên, giới chuyên gia ngành nông nghiệp cảnh báo: Nhập khẩu thịt lợn với số lượng lớn mà không được tính toán kỹ lưỡng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường và hoạt động sản xuất trong nước; bởi nhập khẩu lớn sẽ ảnh hưởng đến cung cầu, giá cả tăng lên và thực tế là giá đã tăng so với thời điểm trước. Theo ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Bộ NNPTNT, nhập khẩu nhiều sản phẩm thịt lợn sẽ tác động không tích cực đến sản xuất nông nghiệp trong nước, đặc biệt là đối với ngành chăn nuôi, khi ngành chăn nuôi vốn dĩ cũng đang rất khó khăn trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Cấp đông thịt là giải pháp dài hơi

Nêu lên giải pháp dài hơi trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang lây lan mạnh mẽ hiện nay, ông Dương cho rằng, để đảm bảo nguồn cung thịt lợn lâu dài cần thực hiện chủ trương cấp đông. “Đây không chỉ là giải pháp tình thế giải quyết nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong bối cảnh hiện nay, mà còn là giải pháp dài hơi góp phần không nhỏ vào mục tiêu dự trữ nguồn lương thực, thực phẩm cho quốc gia. Đây là vấn đề chúng ta phải nghĩ tới bởi năm 2019 này và những năm tiếp theo, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn là rất lớn” - ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh, thêm rằng vấn đề nan giải nhất hiện nay chính là kho trữ đông.

Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NNPTNT, hiện nay cả nước có khoảng 14 doanh nghiệp (DN) có kho lạnh đủ điều kiện cấp đông. Tuy nhiên, có 5/14 DN đó chuyên xuất khẩu lợn sữa đã từ chối vì chỉ đủ phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp, 9 DN còn lại tổng cộng xuất kho cấp đông khoảng 6.000 tấn thịt lợn, hiện đang cấp đông 1.200 tấn. Như vậy, kho lạnh còn trống chỉ đủ chứa 4.800 tấn, con số quá nhỏ so với tổng sản lượng thịt hiện nay.

Trên thực tế, nhiều DN ngành chăn nuôi cho rằng, việc cấp đông thịt lợn gặp nhiều khó khăn như chi phí lớn, rủi ro cao. Cụ thể là chi phí xây kho, chi phí kiểm dịch, vận chuyển chi phí bảo hiểm đối với sản phẩm và DN tham gia bảo hiểm; kiểm dịch nếu không chặt chẽ nguy cơ lây lan dịch tại các kho chứa cao, tiêu hủy lâu; người tiêu dùng có đón nhận tiêu thụ sản phẩm và giá cả sẽ tăng cao do lưu kho lâu sẽ đội chi phí.

Chính bởi vậy, cho dù được coi là giải pháp dài hơi hữu hiệu, song việc cấp đông thịt lợn vẫn đang nhận được nhiều ý kiến băn khoăn. Theo ông Nguyễn Ngọc An - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), khi thịt cấp đông, chi phí trữ đông, vận chuyển cao làm giá thành cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất, chế biến bình thường. Đây là vấn đề cần phải cân nhắc, bởi vậy Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN về lãi suất để giải phóng hàng tồn kho khi đưa ra thị trường sau này. Bên cạnh đó, đặt giả sử nếu không giải phóng được hàng tồn kho, đến thời điểm đó, Nhà nước cũng phải có cam kết tiêu thụ số lượng thịt này cho DN thông qua các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. “Nếu giải quyết được vấn đề này, các DN sẽ sẵn sàng hưởng ứng chủ trương của Nhà nước” - ông An nêu quan điểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, yếu tố quan trọng nhất cần được giải quyết hiện nay đối với chủ trương cấp đông thịt lợn, đó là chính sách phải đủ mạnh, phải thu hút được DN tham gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh nguy cơ thiếu nguồn cung thịt lợn: Cấp đông là giải pháp dài hơi