"Thủ tục đầu tư trở thành nỗi đoạn trường đối với các nhà đầu tư. Ví dụ điển hình, hoạt động hợp tác công - tư (PPP) được quy định bởi nhiều văn bản luật như: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng,… Bên cạnh hàng loạt luật đi kèm còn các thông tư, nghị định hướng dẫn riêng từng luật”. Đó là nhận định của Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam khi bàn về những khó khăn, rủi ro trong hợp tác PPP.
Nhiều dự án PPP giao thông đã được thực hiện.
Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến cuối năm 2018 cả nước có 289 dự án PPP với tổng số vốn đầu tư lên đến 54 tỷ USD, trong đó có 207 dự án hạ tầng giao thông vận tải. Dựa trên tổng số dự án PPP, ông Trần Ngọc Liêm - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM cho rằng, Việt Nam không còn là quốc gia nghèo đói, cơ cấu các nguồn vốn vay cũng thay đổi, các khoản vay ưu đãi ít đi và các khoản vay thương mại nhiều hơn.
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước có hạn, nợ công, nợ nước ngoài gần chạm ngưỡng an toàn thì việc huy động vốn xã hội là giải pháp tất yếu. Kỳ vọng khá lớn vào nguồn vốn đầu tư từ xã hội, song đại diện VCCI cũng chỉ ra những tồn tại đối với dự án PPP. Vị này còn khẳng định, môi trường đầu tư PPP đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Không tháo được nút thắt khó thúc đẩy PPP phát triển mạnh hơn.
Nói về PPP, Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng, có quá nhiều rủi ro đối với PPP. Theo ông Nghĩa, sau khi hoàn tất công trình có quá nhiều rủi ro xuất hiện. Trong đó, có trường hợp nhà đầu tư trục lợi xã hội nhưng cũng có trường hợp nhà đầu tư không có lỗi mà do chính sách pháp luật chưa hoàn thiện làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà đầu tư. Các chuyên gia cho rằng, sau khi bắt tay xây dựng công trình sẽ có nghiệm thu rồi đưa công trình vào vận hành, hướng đến chuyển giao. Vậy mà cũng có những công trình doanh nghiệp gặp rủi ro không nhỏ.
“Năm 2009 nghiệm thu cầu Phú Mỹ (quận 7). 5 năm sau mới được quyết toán và 20 – 30 năm tiếp theo nhà đầu tư mới thu hồi vốn. Giả sử vốn ban đầu của dự án 50 triệu USD, vay 100 triệu USD. Thế thì liệu 20 năm sau công trình này có đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư hay không? Tôi thấy rằng, rủi ro cho nhà đầu tư rất lớn”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Xét thêm về những rủi ro từ các công trình PPP, Luật sư Nghĩa than phiền: “Thủ tục đầu tư trở thành nỗi đoạn trường đối với các nhà đầu tư. Tôi lấy ví dụ điển hình, hoạt động đầu tư PPP được quy định bởi nhiều văn bản luật như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng,… Bên cạnh hàng loạt luật đi kèm còn các thông tư, nghị định hướng dẫn của từng luật”.
Chia sẻ thêm khó khăn của nhà đầu tư, vị luật sư này dẫn chứng cụ thể, hiện nay chỉ riêng quy định đối với các dự án PPP trong lĩnh vực giao thông vận tải đã có 15 bộ luật, 1 pháp lệnh, 1 nghị quyết của Quốc hội, 2 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 11 nghị định, 3 nghị quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 38 thông tư có các quy định liên quan đến hình thức đầu tư PPP. Không dừng lại ở một loạt các luật liên quan, giới chuyên gia còn đau đầu khi các luật liên tục sửa đổi, bổ sung. Bản thân các nhà làm luật còn nắm bắt không kịp, cho nên doanh nghiệp không tránh khỏi khó khăn.
Mong muốn hạn chế rủi ro trong PPP, bà Ngô Quỳnh Anh – Phó Giám đốc Công ty Luật EP Legal cho biết: “Phải phòng ngừa tranh chấp trong PPP. Yêu cầu đặt ra, phải minh bạch dự án, lập hợp đồng dự án và có cơ chế phản hồi của nhà đầu tư hướng đến giải pháp hiệu quả”.
“Thiết nghĩ, Nhà nước cần có cơ chế chính sách tốt hơn để đôi bên cùng có lợi, đồng thời nhằm hạn chế những tranh chấp không đáng có. Chính sách tốt tạo dựng được niềm tin cho nhà đầu tư, qua đó thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân vào phát triển hạ tầng đất nước”, ông Trần Ngọc Liêm.