Xuất khẩu hàng hóa: Chủ động phòng tránh rủi ro

T.Xuân 07/11/2023 06:58

Gia tăng số vụ việc phòng vệ thương mại đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới. Đó là thông tin được đưa ra tại Tọa đàm “Cảnh báo sớm phòng vệ thương mại: Giữ lợi thế cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam” diễn ra ngày 6/11, tại Hà Nội.

Từ đầu năm đến nay, ngành nhôm đã đối diện với 4 vụ phòng vệ thương mại.

Doanh nghiệp xuất khẩu đối diện nhiều rủi ro

Số liệu thống kê của Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, từ năm 2017 đến nay số lượng vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường nước ngoài chiếm tới trên 52% tổng số vụ việc PVTM mà chúng ta đã đối mặt trong hơn 30 năm qua. Trong đó, số vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM mà chúng ta bị kiện từ năm 2017 đến nay chiếm gần 60% tổng số vụ kiện chống lẩn tránh mà chúng ta đã phải đối diện từ trước đến nay.

Theo bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), số lượng các mặt hàng và lĩnh vực bị kiện PVTM mở rộng hơn, tính đến thời điểm này, đã có gần 40 mặt hàng đã bị kiện PVTM, thậm chí có những mặt hàng chỉ mới khai thác và kim ngạch không quá lớn.

Đáng chú ý, nếu như trước đây các vụ kiện chỉ xuất hiện ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm thì nay ở các thị trường khác, kể cả những thị trường mới của chúng ta, số vụ việc PVTM cũng chiếm tỷ lệ rất lớn.

Trong tổng số 235 vụ việc tính đến thời điểm hiện tại thì thị trường Hoa Kỳ chiếm 23% số vụ việc, Ấn Độ chiếm 14%, Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 10%, sau đó là Canada, EU, Philippines, Indonesia. Có 24 thị trường đã từng kiện PVTM đối với hàng hóa của Việt Nam.

Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra các nước trên thế giới và chiếm hơn 30% kim ngạch xuất khẩu của các nước ASEAN. Điều này thể hiện Việt Nam luôn là đối tác quan trọng, bền vững của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đi kèm theo đó thì cũng có những rủi ro về PVTM. Theo thống kê, tỷ lệ các vụ việc PVTM của Hoa Kỳ áp dụng với Việt Nam chiếm khoảng 53% tổng số các vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

“Các doanh nghiệp (DN) của Hoa Kỳ ý thức rất rõ về quyền lợi cũng như các công cụ của mình khi hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh khốc liệt, gây ra tổn hại, tổn thương đối với ngành sản xuất trong nước. Họ cũng biết cách sử dụng các biện pháp PVTM để bảo vệ lợi ích của mình” - ông Hưng nhận định.

Thông tin từ Bộ Công thương cũng cho biết, trong danh sách 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM năm 2023 có đến 17/18 mặt hàng là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.

Chủ động ứng phó

Theo ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam, nhôm là một trong những ngành xuất khẩu của Việt Nam đã và đang phải đối diện với các vụ việc về PVTM. Từ đầu năm đến nay ngành nhôm đã phải đối mặt với 4 vụ việc PVTM khiến các DN Việt Nam chịu nhiều áp lực, đặc biệt là khi ngành nhôm Việt Nam còn non trẻ, kinh nghiệm ứng phó và tham gia các vụ việc PVTM vẫn còn rất ít.

Để ứng phó với các vụ kiện PVTM, ông Phụ cho biết, Hiệp hội đã phối hợp với Cục PVTM, Bộ Công thương tổ chức chương trình tập huấn cho các DN ngành nhôm để nâng cao hiểu biết về thương mại quốc tế, về cách xử trí trong PVTM khi bị các nước kiện hay áp thuế bán chống phá giá, qua đó các DN cũng hiểu sâu hơn về ứng phó trong các tình huống đó và có các phương án điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình cho phù hợp, đặc biệt là cũng sẵn sàng để chuẩn bị các dữ liệu tham gia vào các vụ kiện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN mình, của ngành hàng mình.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM (Bộ Công thương) nêu quan điểm, PVTM là biện pháp rất phổ biến được các nền kinh tế, các quốc gia thành viên WTO thường xuyên áp dụng trong trao đổi thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, tùy từng sản phẩm, ngành hàng, hay thị trường xuất khẩu mà khả năng bị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM là khác nhau.

Theo ông Trung, sau khi có Quyết định số 316 ngày 1/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương đã nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM. Hệ thống này hiện đang tiến hành theo dõi khoảng 170 mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường, trong đó có nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực, cũng là những thị trường thường xuyên có các cuộc điều tra PVTM như: Hoa Kỳ, EU, Canada, Úc, Ấn Độ...

Khi xác định được nguy cơ phòng vệ thương mại thông qua cảnh báo sớm, ông Trung khuyến nghị DN cần tìm hiểu và nắm được những thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, về quy định PVTM để hiểu được quyền và nghĩa vụ của DN trong các vụ việc PVTM.

Cùng với đó, cần phải cân nhắc việc chủ động tham gia, chủ động chuẩn bị và cung cấp các thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra một cách đầy đủ, chính xác, đúng thời hạn. Đó là cơ hội mà cơ quan điều tra của nước nhập khẩu cung cấp cho chúng ta để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

“Khi đã xác định được nguy cơ thì DN phải có sự chuẩn bị trước về hệ thống quản trị DN, rà lại, kiểm tra lại hệ thống kế toán, hệ thống sổ sách chứng từ… để đảm bảo hệ thống sổ sách chứng từ, kế toán của doanh nghiệp được hoàn thiện một cách đầy đủ, chính xác, khoa học, có thể truy xuất và xác minh được” – ông Trung khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu hàng hóa: Chủ động phòng tránh rủi ro

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO