Vụ việc đề thi Văn lớp 9 cuối học kỳ I có nội dung nhạy cảm của Phòng GDĐT huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Trong đó, giáo viên đã chọn ngữ liệu ở phần Đọc hiểu là một câu chuyện thuộc kho tàng Truyện cười dân gian Việt Nam. Học sinh và nhiều phụ huynh sau khi đọc đề thi này đều nhận định ngữ liệu này không phù hợp để đưa vào một đề thi, dù là chính thức hay thi thử do không hàm chứa tính giáo dục cao.
Giám đốc Sở GDĐT Gia Lai Lê Duy Định cũng đồng tình rằng giáo viên ra đề đã chọn ngữ liệu không có tính giáo dục cao song theo ông, việc ra đề thi có kỹ thuật riêng của ra đề.
Phòng GDĐT Chư Sê xác định đề thi chưa tốt chứ không đến mức sai trầm trọng dẫn đến phải kỷ luật. Giáo viên ra đề đã được yêu cầu viết tường trình và rút kinh nghiệm sâu sắc.
Trước đó, đề thi học sinh giỏi lớp 9 của TP Hà Nội cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Cụ thể, đề thi ngữ văn được đánh giá là chưa hay. Ở câu 1, chưa dạy cho học sinh biết vượt qua nghịch cảnh. Chưa kể, cách đặt vấn đề “khóc hộ” trong đoạn trích khiến nhiều người chưa thấy được sự sẻ chia mà là sự “thương vay, khóc mướn”. Ở câu hai, câu hỏi vừa khó hiểu, và có phần rối rắm sẽ khiến học sinh khó xác định được nội dung cần triển khai trong bài.
Trong khi đó, đề thi môn Toán có những câu hỏi được các thầy cô chỉ ra là trùng với câu hỏi trong đề thi chọn đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia THPT của Trường ĐH Vinh năm học 2019-2020. Tuy nhiên, hai đề thi lại có sự vênh nhau về mức độ, thời gian và đối tượng học sinh.
Nếu coi đây là sự trùng hợp ngẫu nhiên thì ngay cả việc đặt lời giải cụ thể cho bài toán này theo cách của học sinh lớp 9 cũng mất hàng trang A4 là một thách thức với nhiều học sinh, kể cả học sinh giỏi.
Chia sẻ về quy trình làm đề thi, đại diện Phòng GDĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết ngoài việc ra đề thi lớp 9, phòng còn ra đề thi cho khối 8 và học sinh hai khối 4, 5 của cấp tiểu học. Mỗi trường phải gửi lên Phòng hai đề mỗi môn.
Chuyên viên của Phòng sẽ tổ chức chọn lọc, biên tập lại thành một đề chung cho toàn quận. Trong đó, phòng chỉ lấy dạng đề, sau đó biên tập chứ không lấy toàn bộ một bài trong các đề trường gửi lên, tránh việc lộ.
Sau khi biên tập và xây dựng đề thi các môn, Phòng thành lập hội đồng phản biện gồm chuyên viên và giáo viên cốt cán của các trường để thẩm định xem đề có phù hợp với trình độ học sinh và tuân thủ quy định ra đề hay không. Khi đề được thông qua, Phòng tổ chức in đề theo quy trình khép kín…
Như vậy, có thể thấy mỗi đề thi dù là trong phạm vi toàn trường hay ở cấp huyện, TP hay cấp quốc gia trước khi “trình làng” chính thức đều trải qua phần kiểm duyệt, chọn lọc của các bộ phận chuyên môn như tổ bộ môn của nhà trường, bộ phận chuyên viên của Phòng, Sở…
Việc để xảy ra những sự cố trong đề thi dù là lỗi nhỏ hay lỗi lớn đều cần phải được nhìn nhận lại một cách thấu đáo về trách nhiệm của giáo viên ra đề cũng như những bộ phận liên quan. Đó phải là một bài học nghiêm túc về sự cẩn trọng trong việc lựa chọn ngữ liệu hay các phép tính, câu hỏi… bởi chỉ một lỗi không chuẩn mực trong đề thi có thể ảnh hưởng đến kết quả bài thi của hàng trăm, triệu thí sinh.
Cẩn trọng không bao giờ là thừa. Với giáo dục, càng cần phải cẩn trọng.