Trong bức thư gửi tới trẻ em thế giới nhân dịp 30 năm Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, đại diện UNICEF cho rằng, cách đây 40 năm, khi các vị lãnh đạo toàn cầu đưa ra một cam kết mang tính lịch sử đối với trẻ em thế giới bảo vệ và thực hiện quyền trẻ em, chúng ta có một sự hi vọng thực sự cho thế hệ mai sau. Tuy nhiên, tới nay, tại nhiều nơi trên thế giới, trẻ em vẫn không được bảo vệ.
Những đứa trẻ ở Cộng hòa Trung Phi.
Ngày 7/10, Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) cho biết hơn 2 triệu trẻ em tại khu vực Tây và Trung Phi đã không thể tựu trường trong năm học 2019-2020 do xung đột và bất ổn trong khu vực, khiến hơn 9.000 trường học phải đóng cửa và 44.000 giáo viên không thể đứng lớp. Riêng tại Burkina Faso, xung đột và bạo lực đã khiến hơn 2.000 trường học phải đóng cửa, cao hơn đáng kể so với con số 1.300 trường đóng cửa hồi đầu năm. Tại các quốc gia lân cận như Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Chad, Mali, Niger và Nigeria, tình hình cũng tương tự.
Vẫn theo Save the Children, các cơ sở giáo dục hiện trở thành mục tiêu tấn công “ưa thích” của lực lượng phiến quân. Trường học bị đốt phá hoặc trở thành nơi đồn trú để tiếp tục tấn công vào những mục tiêu lân cận. Không dừng lại đó, các tay súng còn tấn công học sinh và giáo viên trên đường đến trường, thậm chí ngay trong lớp học. Việc bỏ học giữa chừng sẽ khiến các em nhỏ phải đối mặt với một loạt nguy cơ như bị cưỡng ép đi lính, trở thành mục tiêu của các hành vi bạo lực, lao động cưỡng bức hay lạm dục tình dục, đặc biệt đối với trẻ em gái.
Giám đốc khu vực Tây và Trung Phi của Save the Children Philippe Adapoe cho rằng, xung đột và bạo lực bắt nguồn từ người lớn nhưng trẻ em lại là nạn nhân trực tiếp và hứng chịu nhiều thiệt thòi nhất.
Trước đó, năm 2018, tổ chức này cũng đã công bố một báo cáo, cho biết hơn 50% số trẻ em trên thế giới đang đứng trước những mối đe dọa từ xung đột, nghèo đói hoặc phân biệt giới. Có ít nhất 357 triệu trẻ em, chiếm 1/6 số trẻ em trên toàn thế giới, đang phải sống trong các khu vực xung đột, nơi mà sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc (tính ở thời điểm đầu năm 2018), tăng tới 75% so với hồi đầu những năm 1990. Các quốc gia chiến tranh, xung đột kéo dài như Syria, Afghanistan và Somalia là những nơi mang lại nhiều nguy hiểm nhất đối với trẻ em hiện nay.
Helle Thorning-Schmidt- Giám đốc điều hành của Save the Children cho rằng, thế giới đang chứng kiến sự gia tăng số lượng trẻ em lớn lên ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột, trong đó có những nơi bạo lực ở mức đặc biệt nghiêm trọng. Đó là chưa kể tới tình trạng xâm hại tình dục hay nạn bắt cóc trẻ em đang có xu hướng gia tăng. Số liệu của LHQ cho biết, đã có hơn 73.000 trẻ em bị thiệt mạng hoặc thương tật suốt đời trong 25 cuộc xung đột trên khắp thế giới kể từ năm 2005 đến năm 2018.
Đáng lo ngại hơn, theo Tổ chức Bảo vệ trẻ em, thế giới có tới 50% số trẻ em đang đứng trước những mối đe dọa từ xung đột, nghèo đói hoặc phân biệt giới. Như vậy là có tới 1,2 tỷ trẻ em trên thế giới đối mặt với những nguy cơ từ ít nhất 1 trong 3 mối đe dọa kể trên, trong đó trẻ em ở Tây và Trung Phi thiệt thòi nhất. Ngược lại, Singapore và Slovenia được đánh giá là các quốc gia ít có nguy cơ nhất đối với trẻ em.
Một trong những nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới sự thiệt thòi của trẻ em , theo UNICEF, chính là sự “thờ ơ của các Chính phủ”. Điều này thể hiện rõ ở việc không đầu tư phát triển hệ thống trường học, không tìm cách nâng đỡ trẻ em gái, cũng như không “mở hầu bao” chăm lo sức khỏe cho trẻ em. Michael Lee- một nhiếp ảnh gia từ nước Anh đã nhiều lần tới châu Phi cho rằng, “bạn có thể đánh giá chính xác tính nhân văn của một Chính phủ khi nhìn vào trẻ em xem chúng sống ra sao. Khi mà còn những đứa trẻ rách rưới lang thang trên đường, khi còn những ánh mắt hau háu của những bé trai nhìn vào súng đạn như một cách tìm tương lai cho mình, thì đó chính là tội lỗi của người lớn”.