Hôm nay, 1-6, Ngày Quốc tế thiếu nhi. Ngày này là ngày tết của trẻ em toàn thế giới.
Nhưng năm nay, trẻ em “đón tết” một cách rất đặc biệt: ngày vui đón tết thiếu nhi cũng là lúc thế giới phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Rất nhiều đứa trẻ phải sống trong khu cách ly, và còn nhiều hơn thế những đứa trẻ không được đến trường, chúng quanh quẩn trong không gian của những căn phòng.
Trẻ em cũng phải cùng người lớn phòng, chống dịch Covid-19.
Với Việt Nam ta, ngày Tết thiếu nhi 1/6 năm nay cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát rất mạnh. Kể từ ngày 27/4/2021, khi chùm ca lây nhiễm mới được phát hiện mở đầu cho đợt dịch thứ 4 tính từ đầu năm 2020, thì cho tới ngày 31/5 đã có 34 tỉnh, thành trong cả nước có ca lây nhiễm SARS-CoV-2 mới. Nhiều địa phương đã cho nhà trường kết thúc năm học sớm. Nhiều nơi tổ chức dạy học online. Nhiều tỉnh, thành đành phải điều chỉnh lịch thi, những kỳ thi được lùi lại cho đến khi có thông báo mới, cho đến khi dịch được khống chế, không còn ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.
Trẻ em cũng phải vất vả cùng người lớn. Nhưng cũng chính trong những ngày dịch giã này, người ta lại một lần nữa chứng kiến hình ảnh rất đẹp của trẻ em Việt Nam.
Nếu như trong chiến tranh, trẻ em Việt Nam cùng người lớn vót chông chặn giặc vào làng; trẻ em đội mũ rơm đến trường trong những con hào giao thông; có những đứa trẻ “đưa cơm cho mẹ vui đi cày”; mới tí tuổi đầu đã biết chăm em để cùng nhau khôn lớn nên người… thì nay có những em bé 7, 8 tuổi đã biết nhịn ăn sáng để dành tiền ủng hộ cuộc chiến chống Covid.
Xúc động biết bao hình ảnh những đôi mắt trẻ thơ trong veo đã biết nhìn trực diện vào cuộc sống nhiều cam go. Hành động “việc nhỏ nghĩa lớn” của trẻ em tiếp thêm niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho người lớn. Nhiều người lớn trước nghĩa cử cao đẹp của những đứa trẻ đã ứa nước mắt, thấy mình phải nhìn lại mình, nhìn sâu vào mình, để “trưởng thành” cùng trẻ em.
Không được đến trường có lẽ là thiệt thòi lớn nhất của bất cứ đứa trẻ nào. Covid-19 tung hoành, không thể để dịch bệnh tiếp tục lây lan thì trẻ đành phải ở nhà. Học online là giải pháp tình thế, các em đến trường vẫn vui hơn nhiều, vì rằng “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Ở trường có thầy cô, bạn bè, có cả một thế giới rộng lớn vừa quen vừa lạ, thế giới rồi đây khi lớn lên các em phải chinh phục, phải làm chủ.
Tình thế bắt buộc, chúng ta đã làm hết sức để việc học của các em không bị gián đoạn, không bị hổng kiến thức. Vì thế, thật vui khi thấy các thầy cô giáo soạn bài kỹ hơn trước khi trực tuyến với trò. Trong những buổi “lên lớp” đặc biệt ấy thầy cô giáo phải nói nhiều hơn, giảng giải kỹ lưỡng hơn cho từng em một. Thương trò, đó chính là phẩm chất làm nên nhà giáo.
Trong hành trang của cô giáo Nguyễn Thị Hằng (giáo viên Trường Thuận Thành 1, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) có tập bài kiểm tra của học sinh, sách, máy tính, điện thoại có mạng Internet. Đó là những thứ đầu tiên cô chuẩn bị trước khi lên đường đi cách ly tập trung phòng, chống Covid-19.
Trong khu cách ly Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô, hàng ngày cô vẫn lên lớp trực tuyến, không chỉ vì trách nhiệm mà còn vì tình thương, lo cho học trò. Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học của trò, đó là tâm nguyện của cô giáo Nguyễn Thị Hằng cũng như của rất nhiều thầy cô giáo khác.
Nhưng, dẫu sao thì do dịch giã, cũng không tránh khỏi nhiều bất tiện, mà trẻ em cũng phải chịu đựng. Một nghiên cứu cho biết, tại nhiều quốc gia, khi dịch bùng phát, người lớn mất việc, giãn việc phải ở nhà thì “bỗng” nạn bạo hành gia đình gia tăng. Nạn nhân chính là những đứa trẻ, là con cháu họ. Bực tức của người lớn trút xuống đầu trẻ con. Lạ một nỗi là có nhiều ông bố, bà mẹ “sợ” chăm con, thế là “trốn” con.
Ở ta, may mà không đến nỗi thế. Mệt mỏi thật nhưng các bậc phụ huynh vẫn ráng chăm con, nhiều vị còn học cùng con.
Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi, một lần nữa chúng ta cùng nhìn nhận lại “thế giới trẻ em”, xem những gì được, những gì chưa được đối với trẻ. Nhiều khi cuộc sống bận rộn với những lo toan, kể cả những quyến rũ khó lường nên người lớn đã… quên mất trẻ em, cứ để chúng “tự bơi” trong một thế giới mênh mông. Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ, chúng phải được chăm bẵm, chỉ dạy, cần được nhận nhiều thương yêu hơn là đòn roi.
Nói chuyện “tự bơi” lại thấy cần phải cảnh báo nạn trẻ em đuối nước. Mùa hè nóng nực, trẻ em hay rủ nhau ra ao hồ, sông ngòi tắm. Không ít em bị chết đuối. Những cái chết thơ dại thương tâm. Thật đáng buồn là năm nào cũng vậy, cứ mùa hè đến lại có những đứa trẻ chết đuối. Việc là từ các em nhưng lỗi lại ở người lớn. Nếu để mắt hơn đến các em, chỉ bảo cặn kẽ hơn, dạy cho trẻ biết bơi, biết cách cứu giúp nhau, biết nhiều kỹ năng sống… thì đâu đến nỗi. Nếu người lớn còn lảng tránh trách nhiệm, còn nói rằng những đứa trẻ chết đuối là do “vắn số” thì những sự việc đau lòng sẽ không bao giờ chấm dứt.
Dạy bơi cho trẻ và nhất là không để trẻ em “tự bơi” trong một thế giới mênh mông, xin được coi như lời nhắc nhở nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi năm nay, một năm “Tết thiếu nhi” vô cùng đặc biệt.