Sức khỏe

Trẻ em trước nguy cơ mắc bệnh lao

THANH MAI 05/05/2024 07:25

Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 10,6 triệu ca mắc lao mới trong đó có 1,2 triệu ca ở trẻ dưới 15 tuổi và khoảng 13.000 trẻ em mắc lao các thể cần điều trị. Theo các chuyên gia y tế, trẻ em là đối tượng dễ bị tác động bởi các bệnh truyền nhiễm trong đó có bệnh lao vì miễn dịch của trẻ còn yếu.

anhbaibenhlao-te-3-5.jpg
Bệnh lao ở trẻ em có nhiều loại với các biểu hiện khác nhau và để lại nhiều di chứng nguy hiểm.

Lây qua đường hô hấp

Theo TS Đinh Văn Lượng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao quốc gia, số ca lao được ghi nhận năm 2023 tăng 2,2% so với năm 2022. Số ca được ghi nhận chỉ chiếm khoảng 60% thực tế, tức là còn khoảng 40% người mắc bệnh chưa được phát hiện.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, số trẻ mắc lao chiếm từ 10 - 12% tổng số bệnh nhân lao mới và lao tái phát hằng năm. Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mỗi năm bệnh viện này ghi nhận khoảng 70 - 80 trẻ em mắc lao. Đáng chú ý, hầu hết những trường hợp nhập viện đều nặng, khó chẩn đoán, bệnh nhân nhập viện khi tình trạng bệnh đã trở nặng, nếu chữa khỏi thì cũng để lại di chứng nặng nề.

Trong số này, lao phổi - màng phổi chiếm tỷ lệ cao nhất (45%), tiếp theo là lao toàn thể (18%) và lao màng não (30%) cùng với đó còn có lao xương, lao hạch. Đặc biệt, phần lớn những trường hợp nặng là trẻ dưới 5 tuổi và thường phát bệnh trong vòng 2 năm sau khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.

Theo bác sĩ Nguyễn Phương Thảo, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương), lao là một bệnh truyền nhiễm, một nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trên thế giới. Bệnh do trực khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra, lây lan khi người bị bệnh lao phát tán vi khuẩn vào không khí. Theo đó, với trẻ em, nguồn lây nhiễm chủ yếu đến từ mẹ hoặc cha (47,4%).

Ngoài ra, tỷ lệ nhiễm lao cao thường xảy ra ở những trẻ em đã tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong ở trẻ em sống trong gia đình có người mắc bệnh lao cao hơn, đặc biệt nếu trong gia đình có người mẹ bị lao thì tỷ lệ tử vong ở trẻ mắc lao có thể tăng 8 lần.

Về các thể lao mà trẻ em thường mắc phải, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, tất cả các cơ quan nội tạng đều có thể nhiễm lao như lao lá lách, lao màng não, lao cột sống… Hai nhóm lao nặng nhất là lao toàn thể và lao màng não, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Trẻ dưới 3 tuổi có nguy cơ mắc lao màng não lớn nhất.

Cũng theo bác sĩ Khanh, khi trẻ được chẩn đoán mắc bệnh lao thì điều đầu tiên là cha mẹ phải thật kiên trì để chữa bệnh cho con bởi phác đồ điều trị có thể kéo dài từ 6 - 12 tháng, tùy thuộc vào cơ quan mắc lao và giai đoạn bị bệnh.

Bệnh lao ở trẻ em có thể chữa khỏi được với hóa trị lao ngắn ngày, các thể nặng càng cần được chẩn đoán sớm và điều trị đúng nguyên tắc (uống thuốc đúng, đủ, đều và không được bỏ sót).

Việc tuân thủ điều trị có thể giúp phòng lao kháng thuốc, bởi dạng này thường phát sinh qua việc lựa chọn các chủng vi khuẩn đột biến do người bệnh không tuân thủ điều trị.

Nhiễm lao kháng thuốc dẫn đến khó khăn trong điều trị, tăng chi phí điều trị và tỷ lệ di chứng. Đặc biệt, chủng vi khuẩn kháng thuốc này cũng có thể lây cho người khác.

Còn TS Đinh Văn Lượng cho biết, vi khuẩn lao có thể lây truyền qua đường không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Hiện nay, hàng năm số tử vong do lao còn cao hơn nhiều số tử vong do tai nạn giao thông.

Chủ động phòng bệnh

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, triệu chứng lâm sàng nghi lao ở trẻ em như sốt âm ỉ kéo dài, đổ mồ hôi trộm, trẻ mệt mỏi hoặc giảm chơi đùa, chán ăn, không tăng cân hoặc sụt cân, suy dinh dưỡng. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào cơ quan mắc lao trẻ có thể ho dai dẳng, nổi hạch, đau đầu, co giật, đau khớp…, các triệu chứng này thường kéo dài trên 2 tuần, không cải thiện với việc điều trị thông thường.

Để phòng bệnh lao cho trẻ, bác sĩ Khanh khuyến cáo, trẻ em tiếp xúc với nguồn lây nhiễm cần được sàng lọc và theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế. Bên cạnh đó, kiểm soát vệ sinh môi trường cũng là biện pháp quan trọng để ngăn chặn lây nhiễm. Việc này gồm tránh tiếp xúc với nguồn lây nhiễm bệnh lao; thay đổi hành vi của người bệnh (đeo khẩu trang hoặc có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác; khạc đờm và bỏ đúng nơi quy định, rửa tay xà phòng thường xuyên) để hạn chế sự phát tán vi khuẩn ra môi trường.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - nguyên Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, bệnh lao ở trẻ em khó phát hiện và chẩn đoán do các triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác.

Thêm vào đó, số vi khuẩn ở trẻ em mắc lao, đặc biệt là thể lao sơ nhiễm - mới nhiễm rất ít nên khó phát hiện.

Do vậy, cha mẹ cần chú ý chăm sóc sức khỏe của con mình đặc biệt khi gia đình có người nhiễm lao. Nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ nào, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Đặc biệt tiêm vaccine BCG được coi là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh lao ở trẻ em. Vaccine này có sẵn trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, giúp kích thích hệ miễn dịch của trẻ phát triển khả năng chống lại vi khuẩn lao.

Đồng thời, vaccine cũng giúp ngăn chặn sự lây truyền của bệnh và bảo vệ trẻ khỏi các biến chứng nguy hiểm của bệnh lao.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Viết Nhung, vaccine chỉ bảo vệ trẻ khỏi bệnh lao cho tới khi 15 tuổi và không tạo sự bảo vệ an toàn khi sử dụng cho trẻ sống chung với HIV.

Vì vậy, trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi hay cơ địa suy giảm miễn dịch (suy dinh dưỡng, nhiễm HIV...) cần được tầm soát và điều trị dự phòng lao khi có tiếp xúc với người bệnh lao. Việc dự phòng lao có thể giảm 70 - 80% khả năng bị bệnh lao cho trẻ.

Hiện nay, thuốc chống lao được Chương trình chống lao quốc gia cấp cho bệnh nhân điều trị tại các tuyến trên toàn quốc. Trẻ dưới 6 tuổi được miễn phí khám, điều trị lao. Ở tất cả các huyện đều có tổ chống lao nên người bệnh có thể yên tâm khám, chữa bệnh. Nhiều nơi bệnh nhân được chuyển về quản lý và chữa trị tại trạm y tế xã gần nhà, rất thuận tiện trong quá trình chữa bệnh. Vì vậy kiểm soát và ngăn chặn bệnh lao ở trẻ em đòi hỏi sự đồng lòng và vào cuộc quyết liệt từ cha mẹ các em.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ em trước nguy cơ mắc bệnh lao