Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Mỗi năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao, trong đó, có khá nhiều trẻ em. Đó là vấn đề đáng báo động.
Đừng nghĩ mình trẻ mà chủ quan
Lao là bệnh truyền nhiễm, lây qua đường hô hấp, song rất ít người chú trọng đến căn bệnh này, coi đó là bệnh của ai đó chứ không phải của mình, vì vậy nhiều người khi bị ho thường không nghĩ mình bị mắc bệnh lao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, xuất hiện nhiều ca bệnh lao mới là người trẻ. Họ vào khám vì có triệu chứng ho kéo dài, nhưng lại không nghĩ tới bệnh lao, tới khi vào viện làm xét nghiệm thì bệnh đã nặng.
Như trường hợp của L. 20 tuổi, ở Hà Nội. Em bị ho dài ngày không dứt, vào viện khám và làm xét nghiệm chuyên sâu mới phát hiện mắc bệnh lao phổi. L. kể lại, em có biểu hiện ho kéo dài, sau đó uống thuốc điều trị một đợt thì dứt, hết ho. Tuy nhiên, ngừng thuốc một thời gian ngắn thì cơn ho lại tái phát, đến bệnh viện phát hiện bị bệnh lao phổi.
Nếu như trước đây, bệnh lao chủ yếu xảy ra ở những bệnh nhân lớn tuổi thì hiện nhiều người trẻ tuổi đã mắc bệnh lao. Nhưng cũng giống như L., có khá nhiều bạn trẻ tiếp nhận thông tin mình bị lao phổi đã rất bất ngờ, bởi họ khỏe mạnh, bình thường, chỉ thấy ho kéo dài.
Bệnh viện Phổi Trung ương cũng ghi nhận trường hợp 4 sinh viên ở trọ cùng nhau và dần dần cả 4 người đều lây bệnh lao. Bạn sinh viên đầu tiên đến khám có các triệu chứng mệt mỏi, sút cân, ho nhiều, xét nghiệm thì có vi khuẩn lao dương tính. Sau đó, các bác sĩ khuyến cáo nên sàng lọc những người ở cùng thì phát hiện 3 bạn còn lại cũng mắc lao.
Về nguyên nhân, theo các bác sĩ, có thể do sức đề kháng hoặc do không gian sống chưa được thông thoáng, thiếu ánh sáng dẫn tới lây nhiễm bệnh lao cho cả phòng trọ. Ngoài ra, lối sống, ăn uống, vận động không khoa học (ăn uống không đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên thức khuya, làm việc quá sức, hút thuốc lá, uống rượu bia…) làm sức khỏe giảm sút, sức đề kháng yếu khiến vi khuẩn lao dễ tấn công và gây bệnh. Cứ một người bị bệnh lao phổi có ho khạc vi khuẩn ra môi trường có thể lây cho 5-10 người khác, nhất là trong môi trường nhỏ như gia đình, lớp học…
Làm thế nào để nhận biết bệnh lao?
Theo thống kê, tỷ lệ mắc lao cao nhất là trong độ tuổi lao động (từ khoảng 41-50 tuổi) chiếm gần 40%, với những người từ 21-30 và 31-40 tuổi chiếm khoảng 16% ở mỗi độ tuổi. Có 2 yếu tố nguy cơ khiến nhiễm lao thành bệnh lao, đó là số lượng vi khuẩn và sức đề kháng của mỗi người. Khi số lượng vi khuẩn nhiều, hệ miễn dịch của cơ thể người không thể chống đỡ được thì sẽ từ nhiễm thành bệnh.
Đáng lo ngại là tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện mới chỉ đạt 60%, nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện. Và đó chính là nguồn lây lan trong cộng đồng. Trong khi tình trạng lao đa kháng thuốc đang gia tăng.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương, thông thường, bệnh nhân lao sẽ có biểu hiện sốt, ho, tức ngực… nhưng có rất nhiều trường hợp không có triệu chứng, bởi vậy dễ dàng lây lan cho người khác. Những người bình thường khi hít phải vi khuẩn lao từ người bệnh sẽ có tình trạng nhiễm lao, tuy nhiên không phải ai nhiễm lao cũng phát triển thành bệnh lao. Bệnh lao thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, biện pháp dự phòng quan trọng nhất là cắt đứt nguồn lây, nghĩa là phải phát hiện sớm và chữa khỏi cho người mắc bệnh lao. Đặc biệt, trẻ sơ sinh phải được tiêm phòng vaccine phòng bệnh lao.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thu Thủy - Phụ trách Khoa Lao hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ tổn thương phổi rộng, bệnh nhân sẽ có tình trạng suy hô hấp, khó thở, có thể có ho ra máu. Khi lượng vi khuẩn nhiều có thể gây đột biến. Từ chủng vi khuẩn nhạy cảm có thể đột biến thành chủng vi khuẩn kháng thuốc.
Do đó, những người có nguy cơ cao mắc lao do hệ miễn dịch kém bao gồm: người suy dinh dưỡng, người hút thuốc nhiều, mắc bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch do nhiễm HIV, trẻ em.... Nếu trong gia đình có nguồn lây lao phổi dương tính thì đây cũng là một trong những yếu tố chuyển hóa lao cho trẻ em.
Theo các chuyên gia, bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm. Nhưng không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Bệnh nhân tử vong chủ yếu là do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời.
Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết người bệnh sẽ giúp vừa cứu sống người bệnh, vừa giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao. Điều này sẽ giúp giảm gánh nặng tác hại của bệnh lao gây ra cho gia đình và xã hội.