Trẻ em vi phạm an toàn giao thông: Học sinh THPT chiếm 90%

Thủy Anh 27/07/2017 08:35

Theo dữ liệu của Phòng Cảnh sát Giao thông Hà Nội, tai nạn giao thông (TNGT) tại Hà Nội đang có xu hướng giảm trong 3 năm gần đây (2014-2016). Tuy nhiên, TNGT liên quan tới trẻ em vẫn có biến động bất thường.

Học sinh THPT lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện là phương tiện di chuyển thông dụng.

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi công bố Đề tài nghiên cứu về tình hình tham gia giao thông của học sinh THPT tại Hà Nội, nằm trong khuôn khổ Lễ ký kết hợp tác lần thứ 3 về ATGT của Uỷ ban ATGT Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, diễn ra ngày 26/7.

PGS. TS Chu Công Minh, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh (Trưởng nhóm nghiên cứu) cho biết: Trên địa bàn Hà Nội, học sinh THPT là đối tượng tham gia giao thông dễ bị tổn thương nhất, chiếm 90% các vụ TNGT liên quan tới trẻ em trong 3 năm gần đây.

Lí giải cho thực trạng trên, theo ông Minh: Qua khảo sát phỏng vấn hành vi điều khiển phương tiện với 2.390 học sinh THPT, có sự khác biệt lớn trong phương thức đi lại giữa học sinh lớp 9 và học sinh THPT. Nếu như phần lớn học sinh tham gia giao thông ở độ tuổi 15 đều sử dụng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp hay đi bộ tới trường (chiếm 67%), thì học sinh THPT lại lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện là phương tiện di chuyển thông dụng, với tỉ lệ lên tới 52%. Sự thay đổi từ phương tiện đi bộ và xe đạp sang xe đạp điện và xe máy điện, loại phương tiện có vận tốc tương đối lớn (25-50km/h), có thể lý giải tại sao học sinh THPT lại chiếm tới 90% các vụ TNGT của trẻ em.

Dữ liệu của CSGT Hà Nội và điều tra phỏng vấn học sinh đều cho thấy “vi phạm tốc độ” là nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT ở lứa tuổi này.

Cụ thể, tỉ lệ TNGT (vụ/học sinh) của nhóm tự đi xe đạp điện, xe máy điện và xe máy là cao nhất - khoảng 0,5 vụ/học sinh. Nghĩa là cứ 2 học sinh thì có 1 học sinh có xảy ra TNGT liên quan tới xe đạp điện và xe máy điện. Như vậy theo tính toán của nghiên cứu thì có tới 55% các vụ TNGT xảy ra với học sinh THPT là do xe máy điện và xe đạp điện. Điều đó cho thấy xe máy điện, xe đạp điện là phương tiện đến trường mất an toàn đối với học sinh THPT, đòi hỏi phải được hướng dẫn, xử lý vi phạm và quản lý chặt chẽ nhiều hơn nữa để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường.

Bên cạnh đó, xe bus – phương tiện di chuyển thích hợp nhất đối với độ tuổi của các em học sinh từ lớp 9 đến THPT bởi sự tiện lợi, an toàn trong điều kiện giao thông phức tạp tại đô thị – lại chưa phải là lựa chọn hàng đầu của các em khi tới trường. Theo điều tra, chỉ có 2% học sinh lớp 9 và 4% học sinh cấp 3 sử dụng xe bus tới trường.

Ông Chu Công Minh cũng nhấn mạnh: Nguyên nhân sâu xa của TNGT ở học sinh còn cao là do công tác giáo dục về ATGT chưa được chú trọng.

Ngoài thời lượng chương trình ngoại khóa về ATGT trung bình khoảng 1-2 buổi/học kỳ, nội dung về ATGT chủ yếu được lồng ghép trong môn giáo dục công dân với thời lượng là 2 tiết/kỳ. Các tiết dạy có nội dung chủ yếu về quy tắc và biển báo hiệu giao thông đường bộ. Chưa có nội dung về giảng dạy kỹ năng điều khiển phương tiện. Trong khi đó, tại Nhật Bản, học sinh THPT được dạy cách điều khiển xe đạp và xe máy. Thời lượng trung bình dành cho giáo dục ATGT tại trường trung học của Nhật là khoảng 5-7 giờ/năm…

Ông Minh đưa ra đề xuất giải pháp cụ thể, trong đó nhấn mạnh: Về cơ sở hạ tầng giao thông, đề xuất cải thiện các công trình và tổ chức giao thông khu vực xung quanh trường học để tăng sự an toàn cho học sinh khi tới trường; Về công tác giáo dục ATGT, cần triển khai các chương trình phổ biến kiến thức và thực hành kỹ năng điều khiển phương tiện cho học sinh; Về công tác kiểm soát phương tiện đi lại của học sinh, kiến nghị Bộ GTVT giao cho Cục Đăng kiểm siết chặt quản lý phương tiện xe máy điện, xe đạp điện; Học sinh đi xe máy điện, xe đạp điện cần phải có chứng chỉ ATGT để đảm bảo năng lực cần thiết tham gia giao thông an toàn...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ em vi phạm an toàn giao thông: Học sinh THPT chiếm 90%

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO